Cho mượn sổ, mất nhà? Chuyện từ người đi tống đạt

(Đức Hoài)-Trước khi đặt bút ký vào bất kỳ giấy tờ, văn bản nào thì người dân cũng cần phải hiểu rõ nội dung của các giấy tờ đó là gì, hệ quả pháp lý đối với mình là như thế nào. Nếu chưa hiểu hoặc còn bất cứ nghi ngờ gì thì tuyệt đối không ký trước khi tham khảo ý kiến của Luật sư hoặc những người am hiểu pháp lý khác.
Hôm nay, cầm cái Giấy triệu tập và Thông báo về phiên hòa giải của Tòa án nhân dân  Quận 9 đi tống đạt cho đương sự là vợ chồng ông Trần Hưng T, bà Phạm Thị H ở 97/7 ấp Tân Tiến, xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn mà tôi được biết thêm một câu chuyện buồn. Buồn bởi lẽ, hai vợ chồng ông T, bà H có khả năng bị mất trắng căn nhà và đất mà ông bà đã dành giụm cả đời người mới tạo lập được. Căn cứ vào thông tin ghi trên 2 văn bản trên Tòa án nhân dân Quận 9 và lời kể của ông T thì vụ việc xuất phát từ một chuyến đi làm tự thiện của bà H. Hôm đi từ thiện đó, có một người phụ nữ tên là Trần Đỗ Ái T cũng đi làm từ thiện và chủ động làm quen với bà. Sau đó, hai người còn nhiều lần đi làm từ thiện chung. Bà Ái T cũng nhiều lần đến nhà vợ chồng ông để chơi cho biết nhà biết cửa. Mối quan hệ đó cũng được kéo dài và hai bên coi như cũng là chỗ thân tình.
Một thời gian sau đó, bà Ái T hỏi mượn vợ chồng ông giấy tờ nhà đất tại địa chỉ nói trên (sau đây gọi là sổ đỏ) để làm ăn. Ban đầu, ông T không đồng ý về việc này nhưng sau nhiều lần bà Ái T và vợ là bà H năn nỉ ông đành chấp nhận. Ông T nói rằng, nhà đất của ông đã mua và cất nhà từ lâu nhưng do điều kiện chưa thuận lợi nên chưa làm sổ đỏ. Chỉ đến khoảng thời gian trước khi bà Ái T mượn sổ, gia đình ông mới hoàn tất thủ tục và được cấp sổ đỏ. Vợ ông cũng là bạn bè thân thiết với bà Ái T và bà đã nhiều lần đến nhà bà Ái T chơi, chứng kiến nhà bà Ái T cũng khá giả và có 1 công ty riêng. Chính vì như vậy mà mặc dù lúc đầu ông từ chối lấy sổ đỏ cho người ngoài mượn nhưng do bà Ái T và đặc biệt là vợ ông nhiều lần năn nỉ, nói chuyện cho bà Ái T mượn ông mới xuôi lòng. Ông cũng tâm sự thêm rằng, sổ đỏ mình để trong nhà cũng không làm gì, nay cho bà Ái T mượn thì cũng chẳng sao nên quyết định vậy. Bà Ái T nói là mượn sổ của gia đình ông trong 3 năm.
Nghe đến đây, tôi lờ mờ đoán đây là một vụ mượn sổ đỏ đi thế chấp vay vốn ngân hàng nên tôi bảo ông T cho tôi mượn xem giấy tờ mà ông đã ký cho bà Ái T mượn sổ. Ông lật đật mở tủ lấy cho tôi xem thì quả đúng như vậy. Giấy tờ mà ông T và vợ mình đã ký tên vào là một Hợp đồng thế chấp với nội dung là ông bà đồng ý đem tài sản là nhà đất của mình thế chấp cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK) để đảm bảo cho khoản vay 1 tỷ trong vòng 3 năm của bà Ái T tại ngân hàng An Bình . Hợp đồng này đã được công chứng tại một tổ chức công chứng có thẩm quyền. Điều đáng nói là mặc dù trong hợp đồng có các điều khoản nêu rõ trong trường hợp bà Ái T không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ tài chính của mình với ngân hàng An Bình thì tài sản thế chấp là nhà đất của hai vợ chồng ông T sẽ được đem ra phát mãi để trả nợ nhưng đến khi tiếp xúc với tôi, ông T vẫn khẳng định lại là mình cho mượn sổ đỏ 3 năm và chỉ là cho mượn chứ có làm ăn, mua bán gì với bà Ái T hay ngân hàng mà rắc rối như vậy!?
Ngay sau khi nghe tôi giải thích rằng, có thể bà Ái T đã không thực hiện đúng nghĩa vụ với Ngân hàng An Bình nên xảy ra tranh chấp và Ngân hàng An Bình đang khởi kiện ra Tòa án nhân dân Quận 9 để giải quyết; hai vợ chồng chú là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án; căn nhà của gia đình chú có khả năng bị đem ra phát mãi thì ông T mới té ngửa.
Vụ việc của vợ chồng ông T lại một lần nữa làm tôi thấy lo ngại. Bởi lẽ, đây không phải là vụ việc lần đầu tiên tôi nghe. Cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết nhiều vụ tương tự, báo chí và cơ quan truyền thông cũng đăng tải nhiều thông tin nhưng người dân bị lừa dối hoặc rơi vào trường hợp trên cũng rất nhiều. Điển hình là các vụ việc sau:
Ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1964, ngụ thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) đồng ý cho Trần Trung Dũng (SN 1977, hộ khẩu tại số 2 Trần Hưng Đạo, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây; sinh sống tại thôn 9, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) là chỗ quen biết  “mượn” sổ đỏ đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Chỉ đến khi Nguyễn Thanh Tùng, chủ một tiệm cầm đồ trên địa phương đến bảo gia đình ông dọn ra khỏi nhà vì nhà đất trên đã được Trần Trung Dũng gán nợ lại cho ông ta với giá trị 1 tỷ đồng thì ông Sơn mới tá hỏa. Điểm đáng chú ý là trước đó, Trần Trung Dũng cũng đã có lần mượn sổ đỏ của ông Sơn đi thế chấp, vay 300 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Văn Miếu (thị xã Sơn Tây) với thời gian vay là 3 năm nhưng chưa đầy 1 năm thì Dũng đã trả đủ tiền cho Ngân hàng và rút sổ về trả để tạo lòng tin cho gia đình ông Sơn. Ông Phùng Xuân Hồng (Trưởng Văn phòng Công chứng số 8, TP.Hà Nội) nơi đã công chứng giao dịch cho “mượn” của ông Sơn và Trần Trung Dũng cho biết, vợ chồng ông Sơn đã đến văn phòng công chứng và ký vào văn bản chuyển nhượng nhà đất của mình cho vợ chồng Dũng. Sau đó, nhà đất này lại được chuyển nhượng cho anh Nguyễn Thanh Tùng.
Hình 1. Căn nhà lầu này đã không còn thuộc về gia đình ông Sơn.



Hình 2. Chỗ ở hiện tại của gia đình ông Sơn là túp lều này
Vụ việc thứ hai là vụ gia đình ông Đỗ Văn Tề ở Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ông Tề cho biết, vào thời điểm năm 2008, ông có nhu cầu vay 50 triệu đồng để mở một quán sửa chữa xe đạp, một người môi giới đã kết nối ông với bà Mạc Thị Vân, Giám đốc công ty CPTM và kỹ thuật Hải Lâm, bà Vân hứa sẽ cho ông vay số tiền trên với điều kiện đưa sổ đỏ ngôi nhà để công ty của bà Vân đứng ra đại diện vay vốn ngân hàng. Đổi lại, ông sẽ được vay với lãi suất thấp chứ không phải lãi cao như lãi suất ngoài chợ đen. Tin tưởng vào môi giới của hàng xóm, ông đã đồng ý.
“Nó bảo tôi vay 50 triệu đồng, con gái tôi vay 20 triệu đồng, con bé môi giới bảo cho nó vay 30 triệu đồng. Cái Vân bảo cho nó vay 100 triệu đồng để người yêu nó mua xe, tổng cộng là 200 triệu đồng. Nó dẫn tôi đến công ty nó có siêu thị nên tôi tin…”, ông Đỗ Văn Tề, xóm 5 xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng kể.
Tuy nhiên trên hồ sơ tín dụng, số tiền bà Vân thực nhận được từ ngân hàng là trên 800 triệu đồng. Trong khi đó ông Tề, chủ mảnh đất thì không nhận được một đồng nào. Mặc dù trước đó ông Tề đã ký vào rất nhiều giấy tờ vay của ngân hàng. “Nó nói với tôi là ngân hàng không cho vay, tôi vẫn nghĩ là không vay được. Tôi chỉ biết là 200 chứ làm sao tôi biết là 800 triệu. Họ đưa tôi một đống giấy tờ, tôi chỉ biết ký thôi”.
 Hình 3. Căn nhà xơ xác của ông Tề đã bị ngân hàng siết nợ. (Ảnh: Báo Hải Phòng)
Vụ việc tiếp theo, gia đình bà Đỗ Thị Hiển ở xóm Đỏ, thôn Quảng Cư, xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng cho bà Mạc Thị Vân - người đã từng lừa ông Tề, mượn sổ đỏ để vay tiền. Bà Hiển cho biết, nể tình thông gia, các con bà đã cho mượn sổ đỏ của gia đình để công ty bà Vân đứng ra vay tiền ngân hàng. Bà Vân hứa sẽ cho vay 5 triệu đồng để cháu bà mua xe máy đi làm. Sau hơn 3 năm cho mượn sổ đỏ, ngay cả khi ngân hàng đang tiến hành thủ tục thu nhà của gia đình bà, bà Hiển vẫn ngơ ngác nuôi hy vọng, bà Vân sẽ thu xếp được tiền trả ngân hàng và gia đình bà sẽ không bị mất nhà.
Bà Đỗ Thị Hiển phân bua: “Cô ấy nói mượn 3 tháng cô ấy sẽ rút ra để trả. Tôi với cô ấy là thông gia, không cho mượn thì người ta lại nghĩ này nọ”.
Điều đáng nói là, những vụ việc đáng buồn như trên không phải xuất phát từ sự hám lợi của người dân mà là xuất phát từ tình cảm. Nhiều người vì thiếu hiểu biết, cho rằng là chỗ thân tình, quen biết, tình làng nghĩa xóm, thông gia, bạn bè… mà tin tưởng, mất cảnh giác cho người khác mượn sổ đỏ mà mất hết nhà cửa, gia đình điêu đứng.
Người viết bài khuyến cáo người dân rằng hiện nay việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng xấu diễn ra rất phổ biến với thủ đoạn rất đa dạng. Một khi xác định là lừa đảo người khác, họ sẽ không từ thủ đoạn nào và không loại trừ ai. Một số nhân viên ngân hàng và Công chứng viên cũng không làm tròn trách nhiệm thông báo, giải thích cho các bên liên quan hiểu rõ về nội dung giao dịch trước khi họ xác lập giao dịch. Do đó, trước khi đặt bút ký vào bất kỳ giấy tờ, văn bản nào thì người dân cũng cần phải hiểu rõ nội dung của các giấy tờ đó là gì, hệ quả pháp lý đối với mình là như thế nào. Nếu chưa hiểu hoặc còn bất cứ nghi ngờ gì thì tuyệt đối không ký trước khi tham khảo ý kiến của Luật sư hoặc những người am hiểu pháp lý khác.
Điều 336. Xử lý tài sản cầm cố
Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.
Điều 355. Xử lý tài sản thế chấp
Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của Bộ luật này.
Trích Bộ luật dân sự 2005

Mới hơn Cũ hơn