Sử dụng vi bằng trong quá trình đặt cọc mua bán nhà

LẬP VI BẰNG LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC

Tình huống bên dưới là quá trình thương lượng, giao dịch nhà đất, các bên xác lập hợp đồng đặt cọc, tự ký tay với nhau, sau đó phát sinh tranh chấp vì bên bán đổi ý không bán nữa.
Trong giao dịch này, cần chú ý mấy vấn đề:
1. Hợp đồng đặt cọc có bắt buộc phải công chứng?
Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Vinh, Hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải công chứng, nhưng để an toàn trong giao dịch, các bên nên nhờ Công chứng viên chứng nhận hợp đồng.
Ngoài ra, các bên có thể lựa chọn các phương thức khác như:
- Tự ký tay với nhau, như trong tình huống. Trong trườn hợp này, khả năng dẫn đến tranh chấp tương đối cao vì các bên chưa được tư vấn đầy đủ; việc xác lập hợp đồng, giao nhận tiền thiếu sự ghi nhận của Bên thứ 3, dể phát sinh tranh chấp, nhưng khó xử lý khi có tranh chấp...
- Nhờ Thừa Phát Lại lập vi bằng ghi nhận buổi làm việc việc các bên có giao nhận tiền để thực hiện hợp đồng đặt cọc. Trường hợp này gần giống như công chứng, hạn chế rủi ro của các bên trong giao dịch, đồng thời ghi nhận luôn việc giao nhận tiền giữa các bên.
2. Làm thế nào để xác định một bên vi phạm hợp đồng?
Trong tình huống này, các bên xác định là sau 30 ngày sẽ công chứng, nhưng hôm nay bên Bán đổi ý không bán nữa.
Vấn đề là làm thế nào để xác định một bên vi phạm hợp đồng, đổi ý không bán? Trong hợp đồng có xác định thời gian, địa điểm sẽ công chứng hợp đồng mua bán chính thức?
Để chứng minh điều đó, nên nhờ  Thừa phát lại lập 02 vi bằng:
- Vi bằng thứ nhất ghi nhận việc giao cho bên bán 1 thư thông báo, trong đó hẹn cụ thể thời gian, tổ chức hành nghề công chứng sẽ công chứng hợp đồng mua bán chính thức. Nếu bên bán không có mặt, xem như từ chối chuyển nhượng, và xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc;
- Vi bằng thứ 2 ghi nhận buổi làm việc tại tổ chức hành nghề công chứng: Thừa phát lại sẽ ghi nhận lại buổi làm việc. Nếu như bên bán không đến, thì Thừa phát lại ghi nhận bên bán không đến. Nếu bên bán đền, nhưng từ chối ký công chứng thì Thừa phát lại cũng ghi nhận lại nội dung đó, làm cơ sở để bên mua chứng minh bên bán vi phạm nghĩa vụ.
Như vậy, với hai vi bằng nói trên, bên mua đã xác lập chứng cứ chứng minh bên bán vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc, làm cơ sở để thương lượng hoặc yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp.
Lưu ý là, các trình tự nói trên đều có thể áp dụng trong trường hợp bên bán từ chối bán, hoặc bên mua từ chối mua!


Mới hơn Cũ hơn