Tính khách quan, trung thực khi lập vi bằng?

(Hoailegal)-Vi bằng có giá trị chứng cứ và bản thân Thừa phát lại là người chứng kiến. Vậy nên, nếu Thừa phát lại không khách quan, trung thực thì đã ảnh hưởng đến nội dung, bản chất sự việc lập vi bằng và vi bằng đó không thể là chứng cứ chứng minh khi phát sinh tranh chấp.

Tính khách quan, trung thực yêu cầu Thừa phát lại chỉ ghi nhận, mô tả  sự việc trong vi bằng ở mặt khách quan và tuyệt đối không nên và không được đưa bất kỳ quan điểm hay đánh giá chủ quan nào của mình về sự việc vào vi bằng. Thừa phát lại cũng không được có bất kỳ hành động hay yêu cầu gì  can thiệp vào quá trình, sự việc lập vi bằng.


Vi bằng 1:
 Ông A yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng giao thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền cho ông B. Ông A đến địa chỉ cần giao thông báo 2 lần nhưng ông B đều đi vắng, nhà khóa cửa và gọi điện thì ông B bắt máy nhưng cho biết mình đang bận và tắt máy. Lúc này ông A dán 1 bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền lên trước cửa chính phía trước nhà ông B. Trong vi bằng, Thừa phát lại mô tả:

 - "Vì ông A đã nhiều lần đến địa chỉ trên nhưng không thể gặp được ông  B nên đã dán 1 bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền lên trước cửa chính phía trước nhà ông B" hoặc

- "Ông A đã gọi điện thoại cho ông B qua số điện thoại XXX để thông báo về việc ông A đến căn nhà số YYY để giao thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền nhưng cả 2 lần ông B nghe máy nhưng cố tình không hợp tác v v... "
Những cách mô tả trên, Thừa phát lại đã phần nào đưa những quan điểm, đánh giá cá nhân của mình vào Vi bằng:

- Cụm từ "Vì ông A đã nhiều lần đến địa chỉ trên nhưng không thể gặp được ông  B nên đã dán 1 bản thông báo.... " Thừa phát lại không nên đưa vào vi bằng. Thế nào là nhiều lần??? Thừa phát lại đang đi giải thích cho người đọc vi bằng biết lý do vì sao ông A dán thông báo lên cửa nhà ông B???
Thừa phát lại chỉ nên ghi nhận ông A đã có dán 1 bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền lên cửa chính phía trước nhà ông B "" ,
- Cụm từ "cố tình không hợp tác" không thể đưa vào vi bằng. Thế nào là cố tình không hợp tác??? Rất có thể, Ông B tại cả 2 lần ông A gọi điện đến đều đang bận công việc quan trọng hoặc vì lý do khách quan nên không thể nghe? Thừa phát lại không biết được ông B có “cố tình không hợp tác” hay không? Do đó, nếu ông A có ghi âm cuộc gọi cho ông B thì Thừa phát lại miêu tả theo nội dung đoạn ghi âm (file ghi âm có thể đính kèm vi bằng hoặc lưu lại đế đối chất về sau) hoặc trong khi nói chuyện ông A bật loa ngoài điện thoại cho Thừa phát lại cùng nghe thì Thừa phát lại miêu ta theo nội dung nghe được.

NÊN NHỚ! Chỉ có cơ quan giải quyết tranh chấp mới có quyền đánh giá, phán xét sự việc được ghi nhận trong vi bằng.

Vi bằng 2: Thừa phát lại được Hội đồng quản trị của công ty X yêu cầu lập vi bằng về việc bàn giao tài liệu, sổ sách và con dấu tại công ty khi có sự thay đổi Giám đốc (người đại diện theo pháp luật).

Diễn biến sự việc, khi Hội đồng quản trị và Giám đốc vừa được chỉ định đến trụ sở công ty yêu cầu người Giám đốc vừa bị thay đổi bàn giao con dấu và tài liệu sổ sách của công ty để họ tiếp nhận thì người Giám đốc cũ này không bàn giao. Trong quá trình lập vi bằng, Thừa phát lại có yêu cầu người Giám đốc cũ này được cho xem con dấu và những tài liệu, sổ sách cần bàn giao để “phục vụ việc lập vi bằng”.

Đây là 1 yêu cầu không đúng của Thừa phát lại khi lập vi bằng. Thừa phát lại chỉ là người chứng kiến, lập vi bằng ghi nhận, mô tả sự việc chứ không phải là 1 trong các bên có liên quan trong sự việc cần lập vi bằng. Các bên trong sự việc đang lập vi bằng có thể yêu cầu bên còn lại thực hiện yêu cầu của mình nhưng họ tự chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của yêu cầu đó. Thừa phát lại không có quyền yêu cầu các bên thực hiện bất kỳ yêu cầu riêng của mình.

Đôi lời trao đổi về tính khách quan, trung thực của Thừa phát lại khi lập vi bằng!


Mới hơn Cũ hơn