Thừa phát lại-Vi bằng ghi nhận ô nhiễm môi trường

(Vi bằng Thừa phát lại)-"....Tuy nhiên, để có thêm thông tin, các bên cần mời cơ quan chức năng đến để tiến hành đo đạc độ ô nhiễm không khí. Thừa phát lại sẽ lập vi bằng ghi nhận toàn bộ sự việc đo đạc này."

Hình 1. Một góc bãi rác Đa Phước
(Nguồn: Internet)

Đây là ý kiến của ông Phạm Quang Giang (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Quận 5) và ông Nguyễn Đức Thịnh (Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp) khi được hỏi liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Bãi rác Đa Phước là 1 trong những bãi rác lộ thiên có mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng tại TP.HCM, hiện do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam làm chủ đầu tư và đang quản lý, khai thác, sử dụng.

Đối với các yêu cầu về việc lập vi bằng ghi nhận tình trạng ô nhiễm môi trường dạng này, quan điểm của người viết cho rằng, các Văn phòng Thừa phát lại tại TP.Hồ Chí Minh hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý và thẩm quyền lập vi bằng.

- Khoản 8 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định:

"1. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.
Công văn số 415/BTP-TCTHA ngày 28/01/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số trường hợp mà các Văn phòng Thừa phát lại cần tập trung lập vi bằng trong đó có trường hợp lập vi bằng xác nhận mức độ ô nhiễm môi trường.
Hình 2. Nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng do Vê đan xả thải
(Nguồn: Internet)
Dưới góc độ thực tiễn, việc người dân yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng trong trường hợp này là điều hiển nhiên và cần thiết. Vấn nạn ô nhiễm môi trường từ trước đến nay luôn là vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, các tranh chấp và yêu cầu đòi bồi thường đối với các vụ việc này luôn kéo dài và rất khó khăn đối với người đi khởi kiện hành vi gây ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, việc chứng minh có hành vi gây ô nhiễm, mức độ gây ô nhiễm, thiệt hại như thế nào và mức đòi bồi thường ra sao là bài toán khó? Trước đây, việc đưa ra các bằng chứng và con số xác đáng về các vấn đề vừa nêu đều phải thông qua các cơ quan chuyên môn. Và không phải trong mọi trường hợp, các cơ quan này đều "nhiệt tình" với công việc của mình. Mặt khác, việc đo đạc, khảo sát để đưa ra các thông số chứng minh mức độ ô nhiễm cũng cần tiến hành theo một quy trình nhất định nhẳm đảm bảo tính khách quan, tạo chứng cứ đủ mạnh trình lên cơ quan giải quyết tranh chấp.

Nay, chế định Thừa phát lại ra đời và thẩm quyền lập vi bằng xác lập chứng cứ là một công cụ hữu hiệu giải quyết tất cả các vấn đề trên. Khi có vụ việc ô nhiễm môi trường xảy ra, để tạo chứng cứ xác thực trong vụ tranh chấp, các bên cần yêu cầu Thừa phát lại hỗ trợ lập vi bằng ghi nhận mức độ ô nhiễm. Vi bằng Thừa phát lại được lập theo một trình tự nhất định có quay phim, chụp hình toàn bộ quá trình lập vi bằng. Vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày lập nên có giá trị chứng cứ cao.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, vi bằng ghi nhận tình trạng ô nhiễm là một dạng vi bằng khó và có thể nói là từ trước đến nay rất ít vi bằng dạng này đã được lập. Một quy chuẩn, trình tự thống nhất, logic và khoa học xuyên suốt quá trình lập vi bằng là cần thiết để vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị chứng cứ đủ mạnh trước cơ quan giải quyết tranh chấp. Bản thân người viết cho rằng, một số vấn đề sau là cần lưu tâm khi Thừa phát lại tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng ghi nhận mức độ ô nhiễm môi trường:

Hình 3. Cơ quan chức năng đang kiểm tra hành vi xả thải trái phép tại công ty Sonadezi(Nguồn: Internet)
- Một là, xác định hình thức ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn.... Thực tế, không phải lúc nào cùng một sự việc lại chỉ có hình thức ô nhiễm. Ví dụ như vụ việc tại Bãi rác Đa Phước (xã Đa Phước, Huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói trên, hình thức ô nhiễm bao gồm cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và thỉnh thoảng là ô nhiễm tiếng ồn... Thừa phát lại khi tiếp nhận yêu cầu, cần đi thực tế để khảo sát, tiếp xúc với người dân và xác định loại hình ô nhiễm nào là chủ yếu và gây thiệt hại lớn nhất đối với người yêu cầu lập vi bằng, từ đó đưa ra phương án và quy trình lập vi bằng phù hợp.

- Hai là, cần có các thiết bị đo đạc chuyên dụng tương ứng với hình thức ô nhiễm môi trường. Các thiết bị đo đạc này nên được cung cấp bởi các nhà sản xuất có uy tín và đã qua các cuộc kiểm tra chất lượng gắt gao. Trước khi thực hiện việc đo đạc, Thừa phát lại cần mô tả chi tiết tên, nhãn thiết bị, nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng (nếu có)....Có thể Thừa phát lại không thể hiểu biết hết các dụng cụ mình đang sử dụng để đo đạc, không có kiến thức liên quan đến các hành vi đo đạc và các thông số nhận được. Chính vì vậy, trong quá trình đo đạc, Thừa phát lại cần mô tả khách quan từng chi tiết, từng động tác của mình. Vấn đề đánh giá các động tác đó đã phù hợp, đã đúng kỹ thuật hay chưa, các thông số nhận được nói lên điều gì là do cơ quan giải quyết tranh chấp tự làm rõ.

- Ba là, cần mời một cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực môi trường để cùng tham gia đo đạc. Như trên đã nói, việc lập vi bằng về một lĩnh vực chuyên môn chuyên biệt nhất định sẽ rất khó khăn cho Thừa phát lại bởi những hạn chế về kiến thức chuyên ngành. Do đó, việc mời thêm một cơ quan chuyên môn cùng tham gia vào quá trình lập vi bằng là cần thiết nhằm 2 mục đích: Thứ nhất, Thừa phát lại sẽ được các chuyên gia hướng dẫn các thao tác, quy trình đo đạc và ghi nhận số liệu sao cho khách quan và khoa học. Thứ hai, việc cùng có một cơ quan chuyên môn tham gia vào quá trình đo đạc sẽ tạo thêm sự khách quan cho vi bằng khi trong vi bằng cùng thể hiện hai số liệu đo đạc của 2 cơ quan độc lập với nhau (Cơ quan Thừa phát lại và Cơ quan chuyên môn).

-  Bốn là, áp dụng nguyên tắc đa dạng hóa những gì được ghi nhận trong vi bằng. Đa dạng hóa ở đây có nhiều khía cạnh: 
+ Đa dạng hóa về các công cụ, máy móc ghi nhận;
+ Đa dạng hóa về địa điểm, khoảng cách ghi nhận;
+ Đa dạng hóa về các cơ quan tham gia ghi nhận;
+ Đa dạng hóa về thời gian ghi nhận;
+ Đa dạng hóa về số lần ghi nhận;
.............
Mặc dù có sự đang dạng trong các phương thức đo đạc hay ghi nhận nhưng những thông số hay thông tin cuối cùng được đưa ra không có sự chênh lệch đáng kể sẽ tạo giá trị chứng cứ vững chắc cho Vi bằng khi được sử dụng để giải quyết tranh chấp.

Đức Hoài
Mới hơn Cũ hơn