Thừa phát lại ít thành công là cải cách tư pháp khó khăn

(Hoailegal)-Vừa qua (19/3), phát biểu tại phiên họp của Ban Chỉ đạo thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL), Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban Chỉ đạo Hà Hùng Cường nhấn mạnh, ở Trung ương, các Bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ở địa phương cấp ủy, chính quyền cần tăng cường sự chỉ đạo, bản thân TPL cũng phải cho xã hội thấy được sự tiện ích của mình.
Nhiều Thừa phát lại lo lắng về “số phận pháp lý”
Báo cáo kết quả tình hình triển khai việc thực hiện thí điểm chế định TPL, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cho biết, Ban Chỉ đạo đã hoàn thiện về tổ chức, 11/12  địa phương đã lập Ban Chỉ đạo. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm. Đến nay Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm  50 trường hợp làm TPL cho TP.HCM và 126 trường hợp làm TPL cho 12 địa phương mở rộng thí điểm, nâng tổng số TPL được bổ nhiệm lên 176 trường hợp.
Tính đến ngày 18/3, tổng số Văn phòng TPL trên cả nước là 37 Văn phòng, trong đó tại 12 địa phương thí điểm là 27 Văn phòng, còn lại của TP.HCM. Hiện, Bộ Tư pháp đã cấp Thẻ hành nghề cho 58 TPL (trong đó có 50 TPL của TP.HCM).
Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực song theo Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành, tiến độ triển khai thí điểm chế định TPL chậm từ Trung ương đến địa phương, chưa đáp ứng đúng yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch của Bộ Tư pháp, của Ban Chỉ đạo đề ra. Trong khi đó, thời gian còn lại không nhiều.
Quá trình thực hiện TPL cũng cho thấy chưa có sự đồng thuận cao trong việc xác định địa phương mở rộng thí điểm; nhận thức của người dân về TPL còn nhiều hạn chế; bản thân các cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp và TPL vẫn còn tâm lý e ngại. Đặc biệt, nhiều TPL lo lắng về số phận pháp lý của mình sau khi kết thúc thời gian thí điểm vào cuối năm 2015. Vì vậy, nhiều trường hợp đã được học nghiệp vụ TPL, đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm nhưng không làm hồ sơ đề nghị bổ nhiệm. Hoặc sau khi đã được bổ nhiệm TPL lại chậm trễ, không tích cực, không nhiệt tình… dẫn đến việc bổ nhiệm TPL và thành lập các Văn phòng tại các địa phương là rất chậm so với kế hoạch.
Một trong nhiều đề xuất, theo Tổng cục trưởng là tổ chức một số đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại các địa phương.
Thừa phát lại ít thành công là cải cách tư pháp khó khăn
Đi sâu phân tích những nguyên nhân của việc triển khai chậm, kết quả đạt được chưa như mong đợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đơn cử tại TP.HCM là địa phương đi đầu trong thực hiện TPL của cả nước. 
“Tôi thấy Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM rất quyết liệt nhưng ở dưới việc tống đạt hầu như các Chi cục không chuyển giao. Họ cũng có cái lý của họ nhưng quan trọng là nhận thức. Phải làm sao thật quyết liệt để tránh tư tưởng này lan rộng” - ông Chính nói và chỉ thêm một nguyên nhân khiến TPL chậm hoạt động là “nhiều địa phương vai trò của Sở Tư pháp rất mờ nhạt, TPL cũng chưa chứng tỏ được mình”.
Một trong những nguyên nhân, theo Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Nguyễn Tất Viễn: “TPL chưa yên tâm vì sau năm 2015 có thể họ không còn nữa. Cũng có thể do thi hành án và Sở Tư pháp chưa thực sự ăn khớp”. Ông Viễn cũng nhấn mạnh: “TPL không thành công hoặc ít thành công là cải cách tư pháp vô cùng khó khăn”.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Trưởng ban Chỉ đạo chỉ rõ những việc làm được và tồn tại của TPL trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu làm rõ nguyên nhân của những hạn chế để có những giải pháp khắc phục. Theo đó, ở Trung ương, các Bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ, ở địa phương cần tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án và bản thân TPL cũng phải có chuyển biến trong nhận thức và hành động. 
Nguồn: http://baophapluat.vn/su-kien/thua-phat-lai-phai-chung-to-su-tien-ich-180493.html        
Mới hơn Cũ hơn