Tên gọi văn phòng Thừa phát lại còn chưa thống nhất!

(Thừa phát lại 24h) - Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định: "Tên gọi văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại" và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật."
Ngoài quy định trên, pháp luật hiện hành không có thêm bất kỳ quy định nào liên quan đến việc đặt tên gọi của văn phòng. Từ đó nảy sinh sự không thống nhất trong tên gọi của các văn phòng Thừa phát lại:
- Tại TP. Hồ Chí Minh thì 100% các văn phòng đã được thành lập lấy tên trùng với đơn vị hành chính cấp quận-huyện nơi đặt trụ sở văn phòng: Văn phòng Thừa phát lại Q. Bình Thạnh, Văn phòng Thừa phát lại Quận 10, Văn phòng Thừa phát lại Q. Thủ Đức...

- Một số nơi lại lấy tên trùng với tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ nơi đặt trụ sở văn phòng: Văn phòng Thừa phát lại Bình Định, Văn phòng Thừa phát lại Hải Phòng...
- Số khác lại lấy tên tự do: Văn phòng Thừa phát lại Đông Bắc...

Văn phòng Thừa phát lại có mô hình tổ chức và hoạt động tương tự các văn phòng công chứng (tức tổ chức công chứng tư): Đều cung ứng các dịch vụ pháp lý công; tổ chức dưới mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh... Các tổ chức công chứng tư này được thành lập nhiều hơn 1 văn phòng trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp quận/huyện (bên cạnh các Phòng công chứng-tổ chức công chứng công) tùy theo nhu cầu công chứng của người dân và tên gọi của văn phòng không phải theo một quy tắc thống nhất.
Vậy việc đặt tên cho các Văn phòng Thừa phát lại có nên thực hiện thông thoáng như cách đặt tên của các văn phòng công chứng hay không ? Hay cần một quy định thống nhất ?
Quan điểm riêng, tác giả cho rằng việc đặt tên các Văn phòng Thừa phát lại nên thực hiện theo 1 quy định thống nhất và nên lấy tên theo đơn vị hành chính cấp quận/huyện như các Văn phòng Thừa phát lại tại TP.HCM đang làm, bởi lẽ:
- Thứ nhất, các văn phòng Thừa phát lại hiện nay cung ứng các dịch vụ pháp lý công, trong đó có những hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, có mối liên hệ mật thiết và rất cần sự phối hợp với các cơ quan nhà nước nơi văn phòng đặt trụ sở (UBND, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Cục thi hành án dân sự, Chi cục thi hành án dân sự...). Do đó, tên gọi cần thống nhất như đề xuất ở trên để dễ dàng nhận biết văn phòng, tạo sự phối hợp công tác tốt hơn.
- Thứ hai, một số chức năng của Văn phòng Thừa phát lại sẽ gắn liền với địa giới hành chính cấp quận/huyện nơi đặt trụ sở văn phòng và các văn phòng tách biệt với nhau dựa trên những chức năng này: Thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự, thẩm quyền tống đạt văn bản (khi tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện đều đã thành lập văn phòng Thừa phát lại).
- Thứ ba, về mặt phân bổ các Văn phòng Thừa phát lại, hiện nay mỗi đơn vị hành chính cấp quận/huyện chỉ được phép thành lập duy nhất một Văn phòng Thừa phát lại. Vậy sao không lấy tên của đơn vị hành chính quận/huyện nơi đặt trụ sở văn phòng cho dễ phân biệt?
Vì những lẽ trên, việc đăt tên văn phòng theo tên đơn vị hành chính cấp quận/huyện tạo nên sự thống nhất trong tên gọi của các văn phòng Thừa phát lại. Từ đó, các cơ quan, tổ chức hay người dân cũng dễ dàng nhận diện văn phòng Thừa phát lại này với văn phòng Thừa phát lại khác.
Đức Hoài (Thư ký nghiệp vụ)
Mới hơn Cũ hơn