Bỏ thủ tục làm đơn thi hành án sẽ ảnh hưởng đến Thừa phát lại

(Thừa phát lại 24h)-Đoàn ĐBQH TP.HCM góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án Dân sự.
Sáng 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Hội thảo của Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng: dự thảo Luật vẫn chưa khắc phục được những hạn chế về trình tự, thủ tục thi hành án hiện đang bị hành chính hóa, làm giảm hiệu quả và tạo cách hiểu giai đoạn thi hành án là thủ tục bắt buộc để thi hành quyết định của tòa án, dễ tạo nên tâm lý chây ì, không tự nguyện thi hành bản án đã có hiệu lực pháp lực.

Một số ý kiến đề nghị, chưa nên bỏ thủ tục làm đơn yêu cầu thi hành án vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động thừa phát lại tại thành phố và chưa phản ánh đúng tinh thần của Hiến pháp. Mặt khác, cũng cần quy định nội dung thừa phát lại vào trong dự thảo Luật sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các văn phòng, tránh phát sinh vi phạm và tạo điều kiện tốt hơn cho mô hình này.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn thiếu quy định đảm bảo an toàn cho chấp hành viên trong thi hành án dân sự. Thực tế, công tác này rất khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến quyền nhân thân và tài sản của đương sự. Các quy định hiện nay còn có những điểm “vênh”, khó tránh khỏi sai sót, trong khi thủ tục thi hành án dân sự còn mang tính đặc thù, không thể có thủ tục xem xét lại như ở tòa án.
Ông Nguyễn Hoàng Chiến, Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình nêu ý kiến: “Hiện cơ quan thi hành án chịu rất nhiều áp lực, vì tòa sơ thẩm lỡ xử sai thì có phúc thẩm sửa, hủy được, chứ thi hành án mà làm sai thì không sửa được. Do đó một số chấp hành viên “nhát tay” vì không có cơ chế bảo vệ, thành ra chỉ khi được tòa án cùng cấp giải thích rõ ràng hoặc tòa án cấp trên đã sửa đổi, hủy, xử lại thì chấp hành viên mới dám làm”./.
Đức Hoài
Nguồn: VOV (Tiêu đề bài viết do người đăng đặt lại)

Mới hơn Cũ hơn