Cán bộ công chức sai, Thừa phát lại có thể lập vi bằng

(Vi bằng Thừa phát lại)- Thừa phát lại “không được lập vi bằng các hành vi, sự kiện của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp các sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng”.

Thời gian vừa qua, các văn phòng Thừa phát lại tiếp nhận một số yêu cầu của người dân đề nghị các Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận về hành vi của một số cán bộ, công chức mà khách hàng cho rằng là nhũng nhiễu, làm khó dân… Không chỉ có người dân mà ngay cả một số cơ quan nhà nước cũng đến Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu hỗ trợ lập vi bằng ghi nhận các hành vi thực thi công vụ, nhiệm vụ của mình.
Vậy, theo pháp luật hiện hành, Thừa phát lại có được phép tiếp nhận các yêu cầu trên để lập vi bằng hay không?
Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 thì Thừa phát lại được phép lập vi bằng về các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp:
- Liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
- Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng;
- Vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự;
- Các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Với những quy định như vậy thì pháp luật không cấm Thừa phát lại tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng ghi nhận các hành vi thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, có hai luồng quan điểm khác nhau về vấn đề này, một bên đồng ý lập vi bằng và một bên không. Và riêng luồng quan điểm đồng ý lập vi bằng thì cũng có chia làm 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là đồng ý lập vi bằng với tất cả các trường hợp cho dù bên yêu cầu lập vi bằng là cơ quan nhà nước hay cá nhân, tổ chức tư nhân. Đi theo quan điểm táo bạo này còn có đề xuất Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận phiên tòa. Trường hợp thứ hai là chỉ lập vi bằng trong trường hợp người yêu cầu cơ quan nhà nước. Các Thừa phát lại thuộc văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức-TP.Hồ Chí Minh đồng ý với quan điểm này khi đã tiếp nhận một số yêu cầu lập vi bằng để hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc thực thi công vụ của mình.
Hình minh họa
Ngày 19/09/2014 vừa qua, Tổng cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp ban hành công văn số 4003/BTP-TCTHADS về việc hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động Thừa phát lại gửi các Sở Tư pháp các địa phương đang có hoạt động thí điểm chế định Thừa phát lại và các Văn phòng Thừa phát lại. Trong đó, có nội dung đáng chú ý là hướng dẫn việc lập vi bằng liên quan đến sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ. Theo đó, Thừa phát lại “không được lập vi bằng các hành vi, sự kiện của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp các sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng”.
Như vậy, công văn nói trên dù chỉ là một văn bản hướng dẫn nhưng cũng phần nào gỡ rối cho hoạt động lập vi bằng của chế định Thừa phát lại đang tổ chức thí điểm, góp phần đưa hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại đi đúng hướng và quy cũ hơn.

Người viết : duchoai
Mới hơn Cũ hơn