Ngân hàng vừa cung cấp thông tin cho Thừa phát lại vừa run

(Thừa phát lại 24h)-Hiện nay, cơ quan công an có quyền, toà án, viện kiểm sát có quyền, theo thời gian, cơ quan thuế, hải quan, thi hành án cũng có quyền, thậm chí pháp luật còn cho cả đến thừa phát lại, là cơ quan thi hành án tư cũng có quyền yêu cầu NH cung cấp thông tin…
Phản hồi câu chuyện cung cấp thông tin khách hàng của các NHTM cho cơ quan thực thi pháp luật mà Thời báo NH đã đăng tải trên số 159, Trưởng phòng pháp chế một NHTM Nhà nước cho biết, việc này ảnh hưởng đến hoạt động của DN là một phần, nhưng quan trọng hơn là quyền liên quan đến cá nhân. Hiến pháp quy định, công dân cần có bí mật về một số thông tin cần thiết. Càng nhiều người biết có nghĩa là khả năng bị tiết lộ càng nhiều. Khi tiết lộ như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí an toàn tính mạng của người dân, ông T. một lãnh đạo pháp chế NH cho hay.

Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia pháp chế NH khác cũng cho biết, ở các nước phát triển, thông tin NH được coi là bí mật đời tư và được bảo mật rất tốt. Chỉ những trường hợp cần thiết, phải có quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, NH mới được cung cấp thông tin. Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay, phạm vi đối tượng được cung cấp thông tin là “hơi rộng”. Hiện nay, cơ quan công an có quyền, toà án, viện kiểm sát có quyền, theo thời gian, cơ quan thuế, hải quan, thi hành án cũng có quyền, thậm chí pháp luật còn cho cả đến thừa phát lại, là cơ quan thi hành án tư cũng có quyền yêu cầu NH cung cấp thông tin…Trong khi đó, theo các NHTM, kinh phí cho việc thu thập và tra cứu thông tin thì không được tính toán, bởi NH không thể thu phí được điều mà pháp luật yêu cầu.
Đặc biệt với việc cung cấp thông tin cho cơ quan thừa phát lại cũng chưa rõ ràng. Cơ chế thừa phát lại mới được thành lập nên các quy định liên quan đến cung cấp thông tin cũng chỉ quy định chung chung, không cụ thể, tuy hiện cơ quan này cũng cứ căn cứ vào đấy để yêu cầu cung cấp thông tin. Nhưng ngược lại, cung cấp thế nào, quy trình ra sao, trách nhiệm giữ gìn bí mật của khách hàng ra sao lại chưa rõ.
“Đối với công an hay toà án, viện kiểm sát đã quy định phạm vi cung cấp, phạm vi sử dụng thông tin rất rõ ràng. Nếu ai vi phạm sẽ xử lý. Nhưng với thừa phát lại, khi chưa có quy định cụ thể về phạm vi sử dụng, các NH vừa cung cấp vừa run”, ông T. cho hay.
Hơn nữa, việc NH phải cung cấp thông tin cho cả nghìn yêu cầu hàng năm thì rất mất thời gian và kinh phí. “Tài nguyên thông tin phải chạy máy mới tra ra được và rất mất thời gian, rất tốn tài nguyên vì ở phạm vi rộng trên toàn quốc. Khi thực hiện việc này thì các giao dịch khác phải dừng lại. Đáng lẽ các NH sử dụng vào mục đích cho vay, hoặc thu hồi nợ thì hiệu quả hơn cho việc kinh doanh của NH... về chi phí NH vẫn phải chịu”, ông T. cho biết.
Cũng theo ông T. đã đến lúc cần sửa đổi quy định hiện hành (Nghị định 70) theo hướng rõ ràng hơn. Thứ nhất, ai được quyền cung cấp, cung cấp cho ai, phạm vi sử dụng thông tin như thế nào, quy trình thủ tục cấp và quan trọng nhất là loại giấy tờ nào có thể có để yêu cầu cung cấp...
Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Người viết : Đức Hoài
Mới hơn Cũ hơn