Thế nào là vi bằng xác nhận 1 hành vi xảy ra trong quá khứ?

(Vi bằng Thừa phát lại)- Vừa qua, có một số văn phòng Thừa phát lại phản ánh về việc Sở Tư pháp nêu quan điểm từ chối vi bằng với lý do "lập vi bằng có nội dung xác nhận về hành vi đã xảy ra trước đó mà mình không chứng kiến" 
Thừa phát lại không được lập vi bằng ghi nhận những gì mà mình không trực tiếp chứng kiến. Nếu vi bằng được lập trong trường hợp này thì đó là vi bằng ngụy tạo, vi phạm nghiêm trọng pháp luật lập vi bằng. Sở Tư pháp từ chối đăng ký những vi bằng này là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, có 2 dạng vi bằng sau của Thừa phát lại bị Sở Tư pháp từ chối đăng ký với lý do nêu trên mà theo quan điểm của người viết là chưa đúng quy định:
- Một là, dạng vi bằng mà trong đó Thừa phát lại ghi nhận các bên tự mình xác nhận lại với nhau (bằng văn bản hoặc lời nói) một sự kiện, hành vi đã xảy ra trong quá khứ, đôi khi kèm theo những lời cam kết mới của các bên. Ví dụ, các bên xác nhận trước đây đã có vay tiền của nhau nay vay thêm và cam kết thời gian trả tiền vay…Vi bằng của Thừa phát lại được lập là ghi lời chứng của Thừa phát lại rằng, tại thời điểm lập vi bằng, các bên có phát biểu, có ý kiến, có lập văn bản hay có cam kết với nhau những nội dung như đã nêu chứ Thừa phát lại không xác nhận rằng những sự việc đã xảy ra trong quá khứ mà các bên trình bày, phát biểu… là có thực, là đúng và Thừa phát lại có chứng kiến điều đó.
Hình ảnh minh họa
- Hai là, dạng vi bằng mà trong nội dung vi bằng, Thừa phát lại có một phần ghi nhận lại những lời trình bày của người yêu cầu lập vi bằng rằng nguyên nhân, lý do dẫn đến việc họ tìm đến Thừa phát lại. Sau đó, Thừa phát lại mới tiến hành lập vi bằng mộ tả về các sự kiện, hành vi phát sinh. Ví dụ, trong vi bằng ghi nhận việc giao thông báo đòi nhà cho ở nhờ có yếu tố nước ngoài, Thừa phát lại lập vi bằng với nội dung trích yếu như sau “…Ông Nguyễn Văn A trình bày với Thừa phát lại rằng, căn nhà của ông địa chỉ…. được ông cho ông Nguyễn Văn B ở nhờ từ năm 2012 và hai bên thoả thuận thời điểm kết thúc cho ở nhờ là đến hết tháng 8/2014. Tuy nhiên, hết thời hạn ở nhờ rồi mà ông Nguyễn Văn B không trả nhà cho ông, vậy nên ông gửi đơn khởi kiện lên TAND TP.HCM để yêu cầu giải quyết. Ngày 19/09/2014, Toà án gửi văn bản yêu cầu ông A cung cấp chứng cứ chứng minh rằng ông A đã giao văn bản thông báo việc đòi nhà cho ở nhờ đến ông B nhưng ông B vẫn không trả nhà. Chính vì vậy, ông A đến yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc ông giao thông báo đòi nhà cho ông B…”.

Qua những dẫn chứng được nêu ở trên, lý do mà Sở Tư pháp đưa ra để từ chối đăng ký vi bằng của Thừa phát lại trong những trường hợp này là chưa thực sự thuyết phục. Bởi lẽ, Thừa phát phát đã hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc cũng như quy định pháp luật khi lập vi bằng, đó là chỉ lập vi bằng ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, một cách khách quan, trung thực.
Đức Hoài (Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức -0906 311 132)
Mới hơn Cũ hơn