(Thừa phát lại 24h)-Gần 5 năm thực hiện thí điểm, hoạt động thừa phát lại tại TP HCM đã góp phần giảm tải khối lượng lớn công việc của cơ quan thi hành án dân sự, tòa án các cấp… nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
Theo thống kê của VKSND các quận, huyện tại TP HCM có văn phòng thừa phát lại (TPL) hoạt động, trong gần 5 năm qua, các văn phòng TPL thụ lý 151 vụ thi hành án (THA) dân sự với tổng số tiền hơn 330 tỉ đồng và 41 lượng vàng, trong đó đã thi hành xong 78 vụ với số tiền 69 tỉ đồng. Thực hiện 299 vụ việc xác minh THA và tống đạt 171.891 văn bản.
10/10 hồ sơ có thiếu sót
Thông qua công tác kiểm sát hoạt động của các văn phòng TPL, VKSND quận, huyện có văn phòng TPL đã phát hiện nhiều vi phạm về mặt thủ tục và vi phạm trong quá trình tổ chức THA dân sự nên đã ban hành 1 kháng nghị, 3 kiến nghị vi phạm tổng hợp.
Cụ thể, Quyết định số 05/QĐ-TPL của TPL quận 1 ghi kê biên, xử lý tài sản một căn nhà ở đường Nguyễn Văn Thủ (phường Đa Kao) không thể hiện việc kê biên, xử lý đối với cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà. Quyết định này đã bị viện trưởng VKSND quận 1 kháng nghị vì quyết định cưỡng chế không đúng nội dung bản án, không có căn cứ điều luật áp dụng, tài sản không đầy đủ.
Thừa phát lại quận Bình Thạnh, TP HCM thi hành án một vụ thu hồi nhà tại phường 19, quận Bình Thạnh. Ảnh: VÕ LÊ
Ngoài ra, qua kiểm sát, VKSND TP HCM đã phát hiện 10/10 hồ sơ của Văn phòng TPL quận 1 có thiếu sót, vi phạm cần khắc phục. Từ đó, VKSND TP HCM vừa kiến nghị yêu cầu trưởng Văn phòng TPL quận 1 bổ sung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, là căn cứ tổ chức THA dân sự; bổ sung đơn yêu cầu THA; khắc phục các vi phạm, thiếu sót trong việc tống đạt các thủ tục THA; thu hồi quyết định trả đơn yêu cầu THA… Sau 30 ngày nhận được kiến nghị, TPL quận 1 phải chỉ đạo khắc phục và thông báo kết quả thực hiện đến VKSND TP HCM.
Bên cạnh đó, qua kiểm sát hồ sơ THA xong của các văn phòng TPL quận 1, 5, Bình Thạnh và Tân Bình, VKSND TP HCM đã phát hiện nhiều dạng vi phạm, trong đó mỗi văn phòng TPL đều có một dạng vi phạm lặp lại nhiều lần.
Cụ thể, không ra quyết định đình chỉ THA đối với khoản tiền mà người được THA không yêu cầu tiếp tục THA và lãi chậm THA; chưa yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp cập nhật thông tin quy hoạch giải tỏa đền bù, xác minh đo vẽ hiện trạng và kiểm tra nội nghiệp tài sản thế chấp trước khi kê biên; hồ sơ thiếu các thủ tục quan trọng như không có hợp đồng dịch vụ với người yêu cầu THA, trả đơn yêu cầu THA không ghi rõ căn cứ, điều khoản áp dụng… Đặc biệt, bản án, quyết định được đưa ra thi hành là bản photocopy, không có giá trị pháp lý. Đây là vi phạm nghiêm trọng Luật THA Dân sự năm 2008.
Chế định thừa phát lại còn nhiều bất cập
Theo VKSND TP HCM, chế định TPL là một chế định mới, đang trong thời gian thực hiện thí điểm nên người dân và xã hội chưa biết nhiều, còn e ngại trong việc đón nhận mô hình này. Mặt khác, các quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động của TPL còn nhiều hạn chế, chưa cụ thể và đồng bộ. Quá trình thực hiện, TPL còn gặp nhiều khó khăn như các cơ quan, tổ chức không cung cấp văn bản để TPL thực hiện việc tống đạt hoặc cung cấp nhỏ giọt, một số cơ quan có liên quan gây khó khăn trong việc cung cấp thông tin khi có yêu cầu xác minh tài sản...
“Hoạt động của TPL đã góp phần giảm tải khối lượng lớn công việc của cơ quan THA dân sự, tòa án các cấp tại TP HCM; nâng cao tỉ lệ thi hành các bản án, quyết định của tòa. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của TPL chưa cao, chủ yếu là tống đạt các văn bản cho tòa án, cơ quan THA dân sự và lập vi bằng. Số lượng vụ việc tổ chức THA còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và xã hội. Vì vậy, cần có những quy định pháp luật, giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình TPL trong thời gian tới” - VKSND TP HCM nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng Văn phòng TPL quận 1, thừa nhận những sai sót mà VKSND TP HCM vừa kiến nghị. Tuy nhiên, bà Hạnh nhấn mạnh: “Đó là những thiếu sót về mặt hình thức, không phải là những sai sót nghiêm trọng về nội dung, cốt lõi của vụ việc. Sau khi nhận được những kiến nghị của VKSND TP HCM, chúng tôi sẽ tiếp thu, khắc phục”.
Theo bà Hạnh, quá trình hoạt động, TPL gặp nhiều khó khăn khi một số cơ quan công quyền coi TPL là hoạt động tư nhân nên có thái độ bất hợp tác. Một số nơi không chịu lập biên bản tống đạt văn bản mà chỉ đóng dấu ký nhận. Ngoài ra, việc các văn phòng TPL ít thụ lý những vụ việc THA dân sự là do cơ quan chức năng giao quyền cho TPL chưa đủ nên người dân ít yêu cầu.
“Việc cưỡng chế không cần huy động lực lượng, TPL vẫn làm bình thường. Thế nhưng, những cưỡng chế cần huy động lực lượng thì phải có quyết định của Cục THA Dân sự. Điều này khiến người dân nghĩ TPL không cưỡng chế được, chỉ là thí điểm chứ không thể thực hiện nên họ ngại đến. Đặc biệt, chế định TPL còn nhiều bất cập, trong các luật liên quan chưa có bóng dáng của TPL. Đó cũng là nguyên nhân của tình trạng một số cơ quan chức năng bất hợp tác trong việc cung cấp thông tin vì “luật không quy định cung cấp cho TPL”. Do đó, nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện và đưa TPL vào luật để chúng tôi phát huy hết chức năng của mình và tạo sự tin tưởng hơn ở người dân” - bà Hạnh nói.
Đức Hòai Mobile: 0906 311 132
Nguồn: Báo người lao động