Trăm chuyện vui buồn Thừa phát lại lập vi bằng

(Vi bằng Thừa phát lại)-Trong quá trình lập vi bằng, các văn phòng thừa phát lại ở TP.HCM lắm lúc cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười. Nhưng điều quan trọng hơn, vi bằng đã giúp người dân và cả cơ quan nhà nước giải quyết tốt rắc rối của mình…

Hôm ấy, thừa phát lại (TPL) Nguyễn Tiến Pháp (Văn phòng TPL quận 10) tiếp một khách hàng tên H., chủ một khách sạn ở TP.HCM. Trước đó, do có công việc cần xuất cảnh một thời gian, bà H. đã giao cho người quản lý khách sạn thay mình duy trì hoạt động của khách sạn trong thời gian bà vắng mặt. Lợi nhuận của khách sạn thì phân chia theo thỏa thuận. Nhưng sau đó người quản lý khách sạn tự ý cho nhân viên nghỉ việc, ngưng hoạt động của khách sạn trong thời gian bà H. đi nước ngoài. Khi về nước, bà H. nhiều lần yêu cầu người quản lý có mặt để giải quyết công việc nhưng không được hợp tác. Do vậy bà H. đã nhờ TPL đến giúp lập vi bằng, ghi nhận lại việc kiểm kê tài sản của khách sạn.
Vừa làm vừa ngượng
Dù đã yêu cầu khách sạn tạm ngưng nhận khách, để phòng trống tạo thuận lợi cho việc kiểm kê nhưng khi anh Pháp cùng các cộng sự đến thì vẫn phát hiện một phòng có đôi nam nữ đang thuê. Phản ánh đến khách sạn, bà H. sốt sắng “lỡ rồi, làm luôn” và… mở ngay cửa phòng đề nghị khách thuê phòng thông cảm cho TPL làm việc. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì, hai người khách thuê phòng hốt hoảng khi thấy trước mắt là cả đoàn người…
“Đến giờ nhớ lại tình cảnh éo le đó vẫn còn thấy mắc cười. Cũng may họ là cặp vợ chồng hoặc người yêu nhau chân chính nên khi được giải thích, họ cũng thông cảm, tạo điều kiện cho cả nhóm hoạt động. Chúng tôi vừa đo đạc, chụp ảnh, quay phim, ghi chép mà vừa ngượng, khách cũng ngượng” - anh Pháp cười kể lại. Nhưng điều quan trọng hơn là sau khi nhờ TPL lập vi bằng, bà H. đã có cơ sở yêu cầu thống kê tài sản để thương lượng và hỗ trợ cho bên kia một phần chi phí trông giữ, khai thác tài sản và vụ việc cuối cùng cũng được giải quyết một cách êm đẹp.
thừa phát lại lập vi bằng
Nhân viên một văn phòng TPL đang lấy thông tin từ người dân để phục vụ việc lập vi bằng. Ảnh: H.TÚ
Dân nhờ, chính quyền cũng được nhờ
TPL Đỗ Thị Thúy Hảo (Trưởng Văn phòng TPL quận Bình Tân) vui vẻ kể về một vụ việc chị đã thực hiện lập vi bằng giúp người lao động đòi lại được quyền lợi chính đáng cho mình.
Chuyện là giữa năm 2014, có một khách hàng tên TVT tìm đến Văn phòng TPL quận Bình Tân nhờ giúp đỡ. Theo ông T. kể thì công ty nơi ông làm việc đã ra quyết định xử lý kỷ luật và có thể buộc ông thôi việc. Ông T. khẳng định quyết định kỷ luật của công ty là không đúng quy định của pháp luật, là xử ép ông và ông có bằng chứng về việc này.
Ngặt một nỗi chứng cứ ông T. có chỉ là các thư điện tử trao đổi qua lại giữa ông với phía công ty và các thư điện tử này lại nằm trong email do công ty quản lý. Cho nên việc ông T. bị thu hồi và hủy nội dung email là hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy ông đến nhờ văn phòng TPL lập vi bằng ghi lại toàn bộ các nội dung có trong email để làm bằng chứng cho việc đòi quyền lợi sau này. Đáp ứng yêu cầu của ông, Văn phòng TPL quận Bình Tân đã lập được vi bằng ghi nhận các thư điện tử này cùng nội dung của chúng.
“Trước đây khi chưa có vi bằng, chắc chắn ông T. sẽ rất khó khăn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Nhưng nay nhờ có vi bằng ghi lại chứng cứ quan trọng mà ông T. đã có thể bảo vệ được quyền lợi cho mình khi có tranh chấp xảy ra sau đó. Chúng tôi thấy rất vui khi đã giúp đỡ được cho người lao động vì đây thường là đối tượng chịu thiệt thòi khi tranh chấp xảy ra” - chị Hảo tâm sự.
Một vụ việc khác cũng được giải quyết tốt đẹp nhờ vi bằng do TPL lập nhưng lần này khách hàng lại là cơ quan nhà nước.
TPL Trịnh Văn Tốt (Văn phòng TPL quận Thủ Đức) kể: Năm 2004, UBND quận Thủ Đức đã cấp giấy hồng cho ông TVH và bà NTV. Sau đó do nhà, đất thuộc diện quy hoạch, giải tỏa một phần nên phía UBND quận đã bồi thường cho ông H. và bà V. gần 1,4 tỉ đồng. Qua rà soát, UBND quận nhận thấy việc cấp giấy hồng cho ông H. và bà V. trước đây là chưa phù hợp nên ra quyết định hủy bỏ quyết định cũ và thu hồi số tiền đã bồi thường.
Ông H. và bà V. khiếu nại. UBND quận Thủ Đức đã có văn bản trả lời đơn khiếu nại của ông H. và bà V. Tuy nhiên, khi UBND quận Thủ Đức gửi các quyết định và văn bản trên thì ông H. và bà V. tìm mọi cách để né tránh việc nhận văn bản. Do vậy UBND quận đành phải nhờ đến Văn phòng TPL quận Thủ Đức tiến hành lập vi bằng ghi nhận việc tống đạt văn bản cho ông H. và bà V.
“Nhờ vi bằng do TPL lập, ủy ban đã chứng minh được đương sự đã nhận được văn bản và quyết định của ủy ban để làm cơ sở giải quyết tiếp vụ việc. Vi bằng đã tháo gỡ khó khăn, giúp cơ quan nhà nước thực hiện được chức năng quản lý của mình trong vụ việc này” - anh Tốt cho biết.
Thi hành án “thua”, TPL làm được
Theo một quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND quận 10 hồi tháng 5-2012, bà PPL phải trả cho bà NKP hơn 300 triệu đồng. Sau đó bà P. gửi đơn đến Chi cục Thi hành án (THA) quận 10 yêu cầu THA số tiền trên.
Tháng 11-2012, Chi cục THA quận 10 trả đơn yêu cầu THA cho bà P. vì cho rằng bà L. không có tài sản để THA. Đến tháng 6-2013, được người quen giới thiệu, bà P. tìm đến Văn phòng TPL quận 10 gửi đơn yêu cầu THA. Trưởng Văn phòng TPL quận 10 đã ra quyết định THA và tổ chức xác minh ngay tài sản của bà L. Sau khi xác minh phát hiện bà L. có phần vốn góp tại một trung tâm ngoại ngữ thì bà L. đã chịu THA, đề nghị trả số tiền trên thành ba đợt cho bà P. Tháng 3-2014, Văn phòng TPL quận 10 đã ra quyết định đình chỉ THA, ghi nhận sự tự nguyện của các bên và chấm dứt việc THA.
KIM PHỤNG
Nguồn: Báo PLO

Mới hơn Cũ hơn