THỪA PHÁT LẠI GIÚP GÌ CHO DÂN?
Có thừa phát
lại, án thi hành trôi chảy
Tuy số lượng đầu việc trực tiếp tổ chức
thi hành án chưa nhiều nhưng tỉ lệ thi hành án thành công của thừa phát lại khá
cao. Nhiều người dân đến nhờ thừa phát lại đã được thi hành án nhanh chóng, đỡ
mất thời gian, công sức…
Hơn
bốn năm từ khi thành lập đến nay,Văn phòng Thừa phát lại (TPL) quận Gò Vấp mới
chỉ thụ lý năm vụ yêu cầu thi hành án (THA) thì đã thi hành xong bốn vụ, thu
được hơn 7 tỉ đồng để THA cho người dân. Trong đó có hai vụ, sau khi TPL vào
cuộc thì đương sự đã tự nguyện THA hoặc tự thương lượng với nhau, rút ngắn quá
trình THA.
Đương
sự tự nguyện nộp tiền
tháng
8-2013, Văn phòng TPL quận Gò Vấp tổ chức thi hành bản án của TAND TP.HCM tuyên
buộc ông D. (ngụ quận Gò Vấp) phải trả cho ông H. (ngụ quận 4) hơn 1,2 tỉ đồng.
văn phòng TPL đã thuyết phục, vận động ông D. đã tự nguyện nộp đủ tiền nợ gốc
và lãi để THA.
Cùng
năm này, Văn phòng TPL quận Gò Vấp thụ lý thi hành một bản án của TAND TP.HCM
tuyên buộc ông P. và bà N. phải trả cho ông L., bà H. hơn 5,2 tỉ đồng. Sau khi
tống đạt quyết định THA nhưng người phải THA không tự nguyện thi hành, TPL đã
ra quyết định ngăn chặn chuyển dịch tài sản để kê biên, định giá, phát mại. Sau
khi TPL ra quyết định này, hai bên đương sự đã ngồi lại với nhau để thỏa thuận
THA bằng cách giao tài sản để cấn trừ toàn bộ số nợ. Đến tháng 10-2014 (sau gần
nửa năm), toàn bộ việc THA đã xong xuôi...
Phối
hợp suôn sẻ
Cũng
có một số vụ khác TPL phải cưỡng chế THA. Trong các vụ đó, sự phối hợp giữa TPL
và các ngành liên quan rất tốt.
Trước
đây, Văn phòng TPL quận Tân Bình từng tổ chức thành công một vụ cưỡng chế kê
biên tài sản để THA theo yêu cầu của khách hàng: Theo quyết định công nhận sự
thỏa thuận của TAND quận Tân Bình, Công ty S. (bị đơn) có trách nhiệm thanh
toán cho Công ty H. 450 triệu đồng trong vòng ba tháng. Sau khi ra quyết định
THA và tống đạt nhưng phía Công ty S. vẫn không tự nguyện THA, TPL đã quyết
định cưỡng chế THA bằng cách phong tỏa, kê biên thành công bốn chiếc xe đầu kéo
của công ty này để đưa về kho bán đấu giá theo quy định…
Thừa Phát Lại Nguyễn Tiến Pháp trong một lần cưỡng chế thi hành án. Ảnh: T.TÙNG
Hiện
Văn phòng TPL quận Thủ Đức đang tổ chức thi hành ba bản án liên quan đến việc
Công ty P. bán trùng căn hộ dự án cho nhiều người. Theo bản án đã có hiệu lực
pháp luật của TAND quận Thủ Đức, Công ty P. phải trả lại tiền cho ba hộ dân.
Ông Nguyễn Tiến Pháp (Trưởng Văn phòng TPL quận Thủ Đức) cho biết văn phòng
đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành cưỡng chế, kê biên toàn bộ dự án của
Công ty P. Việc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan rất suôn sẻ. Sau
khi cưỡng chế, TPL sẽ phối hợp với đơn vị bán đấu giá tài sản để xử lý THA.
Để
dân biết nhiều hơn
Để
người dân biết và tin tưởng nhiều hơn vào chức năng trực tiếp tổ chức THA của
TPL, ông Nguyễn Tiến Pháp đề xuất tòa án hai cấp ở TP.HCM tạo điều kiện để TPL
được bố trí một bàn làm việc tại trụ sở các tòa, gần khu vực thụ lý, phát hành
bản án. Mục đích là để TPL tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân về thủ tục
THA và việc lựa chọn tổ chức THA cho hiệu quả với từng vụ việc. Tất nhiên việc
lựa chọn cơ quan THA dân sự hay TPL đứng ra tổ chức THA là do người dân quyết
định. Ngoài ra, ông Pháp cho rằng nên quy định cho phép cơ chế TPL được quyền
nhận bản án hoặc quyết định của tòa để tự tiếp xúc, giới thiệu chức năng THA
của mình đến cá nhân, tổ chức có nhu cầu.
Bà
Đỗ Thị Thúy Hảo (Trưởng Văn phòng TPL quận Tân Bình) thì mong muốn các cơ quan
THA hỗ trợ tích cực hơn cho TPL hoạt động trên cùng địa bàn bằng cách giới
thiệu vụ việc THA. Ngoài ra, nếu TPL được chính thức công nhận thì hoạt động
THA cũng như xác minh tài sản sẽ khởi sắc hơn rất nhiều do người dân biết nhiều
hơn.
“TPL
chia sẻ gánh nặng với cơ quan THA, giúp giảm tải các vụ THA tồn đọng, đảm bảo
quyền lợi hợp pháp cho người dân” - ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng Văn phòng TPL quận
Bình Thạnh) khẳng định. Theo ông Hùng, dù số lượng vụ việc THA của các văn
phòng TPL còn thấp nhưng bước đầu đã nhận được sự thừa nhận, tin tưởng của xã
hội. Một số vụ THA có giá trị đặc biệt lớn như Văn phòng TPL quận Bình Thạnh
từng tổ chức THA theo đơn yêu cầu của một công ty tài chính với giá trị về tiền
lên đến hơn 148 tỉ đồng.
Ba vướng mắc
- Tòa chưa
giải thích, chưa ghi rõ trong bản án, quyết định cho đương sự biết về quyền
yêu cầu TPL tổ chức THA. Tòa cũng không thực hiện việc chuyển giao bản án,
quyết định có hiệu lực pháp luật cho văn phòng TPL có thẩm quyền vì Luật THA
dân sự không đề cập đến việc này. Đây chính là một trong những nguyên nhân
hạn chế việc người được THA liên hệ văn phòng TPL để yêu cầu tổ chức THA cho
mình.
- Trong
trường hợp TPL nhận đơn yêu cầu THA sau khi cơ quan THA dân sự đã thụ lý thì
văn phòng TPL phải chấm dứt việc THA. Tuy nhiên, Nghị định 61/2009 của Chính
phủ (đã được sửa đổi, bổ sung) chưa quy định chấm dứt việc THA đối với trường
hợp này cũng như giải quyết các hậu quả pháp lý. Mặt khác, trong trường hợp
cả cơ quan THA dân sự lẫn văn phòng TPL cùng thụ lý đơn yêu cầu của đương sự
thì việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền THA (cơ quan thụ lý trước hay cơ
quan ra quyết định THA trước) chưa được quy định cụ thể.
- Luật THA
dân sự chưa quy định về phương án xử lý trong trường hợp cùng một vụ việc có
nhiều đương sự mà đương sự này yêu cầu cơ quan THA tổ chức THA, đương sự kia
yêu cầu TPL tổ chức THA. Thậm chí nếu giữa văn phòng TPL và cơ quan THA thống
nhất chuyển giao cho nhau thực hiện thì cũng không có thủ tục chuyển giao...
Giải thích, thuyết phục hiệu quả
Trong năm năm thực hiện thí điểm, các văn phòng TPL ở
TP.HCM đã thụ lý 196 vụ việc THA theo yêu cầu của đương sự, trong đó có 146
vụ việc đã chấm dứt thi hành, với giá trị thi hành án về tiền là gần 421 tỉ
đồng...
Theo báo cáo đánh giá của UBND TP.HCM, nếu xét về khía
cạnh hiệu quả, TPL đã thực hiện rất tốt việc giải thích, thuyết phục để người
phải THA tự nguyện thi hành, hạn chế được tối đa việc phải áp dụng đến biện
pháp cưỡng chế THA... Hiện nay trên địa bàn TP xuất phát từ sự tin tưởng vào
khả năng trực tiếp tổ chức THA của TPL, các tổ chức trọng tài thương mại đã
đề nghị cho TPL được trực tiếp tổ chức thi hành các phán quyết trọng tài (TPL
chưa thể thực hiện yêu cầu này vì không thuộc thẩm quyền).
|
(Nguồn: Thanh Tùng - PLO)