Kiến nghị mô hình Thừa phát lại

Bối cảnh tình hình và kiến nghị mô hình tổ chức, chính sách lớn  phát triển đối với nghề Thừa phát lại khi xây dựng Luật về Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay

TS. Nguyễn Đức Chính - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư Pháp
ThS. Nguyễn Tiến Pháp, Trưởng VPTPL Thủ Đức

Thừa phát lại là chế định được thực hiện theo chủ trương cải cách tư pháp, bắt đầu được triển khai thí điểm tại TP.HCM từ 2010, mở rộng phạm vi thí điểm lên 13 tỉnh , thành phố từ 2012, được Quốc hội công nhận và thực hiện chính thức từ 01/01/2016.
Thực tế cho thấy, việc triển khai chế định TPl là phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay, phù hợp với xu thế của Thế giới. Làm thế nào để Thừa phát lại nhanh chóng phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, xã hội là vấn đề rất đáng quan tâm. Được sự cho phép của Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, chuyên trang xin giới thiệu bài viết "Bối cảnh tình hình và kiến nghị mô hình tổ chức, chính sách lớn  phát triển đối với nghề Thừa phát lại khi xây dựng Luật về Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay" của Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, là người có công lớn trong việc gầy dựng và phát triển hệ thống Thừa phát lại từ khi chuẩn bị thí điểm đến nay.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, là người có công lớn trong việc gầy dựng và phát triển hệ thống Thừa phát lại từ khi chuẩn bị thí điểm đến nay
Bài viết bao gồm 3 phần:
      I.   Bối cảnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính; yêu cầu đảm bảo quyền con người, đảm bảo tính độc lập của Tòa án theo tinh thần Hiến pháp 2103
II.               Xu hướng và mô hình phát triển nghề Thừa phát lại trên thế giới
III. Kiến nghị những chính sách lớn và lộ trình đối với việc phát triển nghề Thừa phát lại khi xây dựng Luật về Thừa phát lại.
PHẦN I: BỐI CẢNH CẢI CÁCH TƯ PHÁP, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; YÊU CẦU ĐẢM BẢO QUYỀN CON NGƯỜI, ĐẢM BẢO TÍNH ĐỘC LẬP CỦA TÒA ÁN THEO TINH THẦN HIẾN PHÁP 2103
1.1.         Bối cảnh
Thực hiện mục tiêu, phương hướng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền còn người, đảm bảo tính độc lập của Tòa án, thực hiện cải cách tư pháp và cải cách hành chính là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra và quyết tâm thực hiện. Ngày 02/01/2002, Bộ chính trị đã thông qua Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháMột trong những qun điểm chỉ đạo đó là cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác tư pháp. Các cơ quan tư pháp phải dựa vào nhân dân để hoạt động, đồng thời phải là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế để nâng cao hiệu quả của các hình thức giải quyết tranh chấp khác như hoà giải, trọng tài, nhằm góp phần xử lý đúng và nhanh chóng những mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân và giảm nhẹ công việc cho toà án và cơ quan nhà nước khác. Đồng thời, “nghiên cứu việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp” để phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng cơ chế để người dân tự xác lập chứng cứ tự bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự, và trong giải quyết tranh chấp; tạo them cho người dân quyền lựa chọn khi yêu cầu thi hành bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Không những thế, việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp còn góp phần giảm tải cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao vị thế của cơ quan tư pháp trong xã hội.
Sau khi đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với đổi mới công tác lập pháp, cải cách hành chính, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình cải cách tư pháp, kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai, yêu cầu cải cách tư pháp ngày càng cấp thiết hơn. Ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Để đạt được mục tiêu này, một trong những phương hướng đó là tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc; trong đó, xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp. Từ đó, Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp, trong đóphải“Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”. Trong hoạt động bổ trợ tư pháp, phải“nghiên cứu chế định Thừa phát lại: trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.
Ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó, giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương. Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh.
Sau thời gian thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, với những thành công bước đầu, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 giao cho Chính phủ tiếp tục triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết 31/12/2015. Như vậy, bước đầu hệ thống Thừa phát lại đã dần được hình thành ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ đều trên cả nước.
Ngày 26 tháng 11 năm 2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại. Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đồng thời, quyết định chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính trao Quyết định thành lập 5 VPTPL đầu tiên tại Việt Nam, ngày 22/5/2010

Sự hình thành và phát triển trở lại của Thừa phát lại tại Việt Nam là sự cụ thể hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, đảm bảo sự độc lập và nâng cao hiệu quả xét xử của Tòa án, đồng thời trao cho người dân quyền tự do lựa chọn phương tiện, công cụ hợp pháp để tự bảo vệ mình trong các quan hệ pháp lý, cũng như tự do lựa chọn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự. Việc  thực hiện chế định Thừa phát lại không chỉ đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai, mà còn là sự kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc.
1.2.   Lịch sử hình thành và phát triển của Thừa phát lại tại Việt Nam
Chức danh Thừa phát lại bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ thời kỳ Pháp thuộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hệ thống cơ quan tư pháp mới được thiết lập trong cả nước, chế địnhThừa phát lại tồn tại trước đó được duy trì và chịu sự quản lý của Ban Công lại thuộc Phòng Giám đốc hộ vụ của Bộ Tư pháp. Ngày 19/7/1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án. Điều 3 của Sắc lệnh này quy định: Trong các thị xã, khu phố, Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Tòa án, ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành mệnh lệnh. Về thẩm quyền, trách nhiệm của Thừa phát lại trong thi hành án, Điều 1 của Sắc lệnh trên quy định: Các bản sao hoặc trích lục bản án do các phòng lục sự phát cho các đương sự để thi hành các án, hoặc mệnh lệnh của các Tòa án hộ đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau: “Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, cai trị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…Như vậy, Sắc lệnh 130/SL ngày 19/7/1946 chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong chế độ mới.
Tại Miền Nam, mô hình Thừa phát lại đã tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và dưới chế độ chính quyền Sài Gòn đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975.
Thừa phát lại là công lại làm việc theo triệu dụng của khách hàng khi có yêu cầu và theo đề nghị của Toà án trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định. Mục đích của công lại là nhằm phục vụ công lý, phục vụ hoạt động tư pháp và nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong xã hội.
Thừa phát lại không phải là công chức tư pháp, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoạt động không theo chế độ công vụ. Khác với các công chức tư pháp, Thừa phát lại thực hiện một số công việc theo yêu cầu của khách hàng hoặc theo đề nghị của Tòa án trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định. Tuy được quy định ở các văn bản pháp luật khác nhau với những tên gọi khác nhau như: Chưởng Tòa (Miền Bắc); Mõ Tòa (Miền Trung); Thừa phát lại (Miền Nam) nhưng đều thể hiện địa vị của một công lại giống chức danh “Huissier” trong hệ thống Tư pháp của Pháp được quy định trong Bộ Dân luật Pháp năm 1804 và Bộ Dân sự tố tụng Pháp năm 1807.
Nhìn chung, Thừa phát lại trong thời kỳ Pháp thuộc và dưới chính quyền Sài Gòn đều có nhiệm vụ: Thông báo tòa khai mạc và bế mạc, gọi các đương sự, nhân chứng, thi hành lệnh giữ trật tự tại tòa. Đây là các nhiệm vụ tại phiên toà; Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án, lập các vi bằng theo quy định của pháp luật, phát mại động sản hay bất động sản và trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.
Về tổ chức, Thừa phát lại là công lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và quản lý, hành nghề trên cơ sở quy định của pháp luật, được hưởng thù lao của khách hàng theo biểu giá quy định. Khác với luật sư, Thừa phát lại không có quyền từ chối thi hành nhiệm vụ nếu được yêu cầu nếu không có lý do chính đáng. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại chịu sự quản lý của Nhà nước. Hoạt động của Thừa phát lại được tổ chức thành văn phòng.
Như vậy, việc  thực hiện chế định Thừa phát lại là một yêu cầu cấp thiết mang tính chất quy luật, nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, không chỉ đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai, mà còn là sự kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc.
Mới hơn Cũ hơn