Thành lập thừa phát lại Phan Thiết

Vi bằng thừa phát lại - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai vừa ký quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại Phan Thiết.
Văn phòng Thừa phát lại Phan Thiết hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh, có trụ sở tại số 75 đường Trần Hưng Đạo, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết. 
Hình minh họa một văn phòng Thừa phát lại


Xã hội hóa hoạt động Thừa phát lại là giải pháp cải cách tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước, huy động nguồn lực và tăng cường trách nhiệm của xã hội đối với các hoạt động của Nhà nước, mà nội dung trọng tâm là chuyển giao công việc của Nhà nước đang trực tiếp thực hiện cho các tổ chức xã hội.
 Qua đó góp phần giảm và từng bước chuyển giao công việc không cần thiết phải do Nhà nước thực hiện với mục đích phát huy tiềm năng của cá nhân, tổ chức trong xã hội; giảm sự cồng kềnh của bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho nhân dân lựa chọn phương thức yêu cầu thi hành án thích hợp, hiệu quả; tránh được tình trạng bất cập hiện nay trong công tác thi hành án dân sự do số lượng bản án, quyết định phải thi hành ngày càng nhiều, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí và đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự tuy từng bước được củng cố, tăng cường nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác thi hành án dân sự đặt ra.
Như vậy, cùng với Văn phòng Thừa phát lại La Gi được cấp phép thành lập năm 2018, Bình Thuận hiện có 2 Văn phòng Thừa phát lại.
Theo thống kê trong năm 2019, Văn phòng Thừa phát lại La Gi đã lập 283 vi bằng, thực hiện đăng ký 263/283 vi bằng tại Sở Tư pháp; từ chối 20 vi bằng; đạt doanh thu 698.300.000 đồng.

Nguồn: Báo Bình Thuận
Mới hơn Cũ hơn