(Thừa phát lại 24h)-Pháp luật quy định thừa phát lại được làm bốn loại việc nhưng hiện nay nguồn thu chủ yếu của thừa phát lại vẫn chỉ từ tống đạt văn bản và lập vi bằng…
Ghi nhận từ một số văn phòng thừa phát lại (TPL) phía Bắc, hiện công việc của TPL chủ yếu là tống đạt văn bản, giấy tờ. Nhưng hoạt động này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, chưa kể mức phí tống đạt còn thấp.
Công sức nhiều, mức phí thấp
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng (Trưởng Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, Hà Nội), đầu tiên là quy định nhân viên tống đạt văn bản phải có trình độ ĐH luật. “Nếu để đi tống đạt trên tất cả địa bàn được phân công sẽ cần rất nhiều người mà điều kiện đó quá cao, rất khó đáp ứng. Đối với nhân viên tống đạt văn bản, chúng tôi thấy chỉ cần là người học hết lớp 12, được đào tạo tốt về thực hiện công tác tống đạt là được” - ông Thắng nói.
Đi vào thực tế, các văn phòng TPL gặp khó khăn khi đương sự cần tống đạt văn bản không có địa chỉ rõ ràng, thiếu thông tin cá nhân (năm sinh, CMND, họ tên cha mẹ…). Nếu người nhà không cung cấp hoặc che giấu thông tin thì việc tống đạt gián tiếp thông qua người nhà, dù họ có cam kết giao tận tay cho đương sự đi chăng nữa cũng vẫn gặp nhiều rủi ro, có thể sai về mặt thủ tục.
“Nhiều khi đương sự từ chối nhận văn bản, thư ký nghiệp vụ phải xin xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực, sau đó lên UBND phường hoặc công an phường để chứng thực chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực đó. Những trường hợp như vậy, thư ký nghiệp vụ gặp rất nhiều khó khăn, mất công mất sức do các cán bộ nhà nước này thậm chí còn chưa biết TPL là gì, là ai nên thiếu hợp tác” - ông Thắng cho biết.
Đã thế mức phí tống đạt lại quá thấp. Theo quy định, TPL đi tống đạt văn bản trong phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở văn phòng thì mức phí là 65.000 đồng/việc; trường hợp ngoài phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở thì được chi trả 130.000 đồng/việc; trường hợp “cùng một địa chỉ” thì mức phí chỉ là 30.000 đồng.
Khách hàng đang nhờ một văn phòng thừa phát lại hỗ trợ pháp lý. Ảnh: T.NGUYỆT
Ông Trần Ngọc Toàn (Trưởng Văn phòng TPL Cẩm Phả, Quảng Ninh) than: “Chúng tôi ra tận huyện đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn hay huyện miền núi Bình Liêu để tống đạt, có chuyến đi tổng chi phí khoảng 1,3 triệu đồng nhưng chỉ được thu 130.000 đồng/trường hợp”.
Ông Mạc Văn Quang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, người đang chờ quyết định bổ nhiệm TPL) cho biết thêm: “Quy định nói tống đạt “cùng một địa chỉ” thì mức phí là 30.000 đồng. Khái niệm “cùng một địa chỉ” này rất mù mờ, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Người thì cho rằng “cùng một địa chỉ” là cùng một nhà, người khác nói cùng tổ, cùng khu phố. Cuối cùng trong mọi trường hợp cứ tống đạt trong một phường là TPL chỉ thu được 30.000 đồng”.
Lập vi bằng: Quy định còn bất cập
Công việc mang nguồn thu nhập ổn định thứ hai của TPL là lập vi bằng. Tuy nhiên theo các TPL, họ cũng gặp khá nhiều khó khăn do các quy định về vấn đề này còn chung chung và bất cập.
Theo ông Trần Ngọc Toàn, theo quy định vi bằng do TPL lập chỉ ghi nhận sự kiện hành vi, không được ghi nhận mục đích, nhận định trong khi người dân đặt yêu cầu cao hơn. Đại diện một số văn phòng TPL khác thì băn khoăn về quy định TPL không được lập vi bằng trong trường hợp “những sự kiện, hành vi có tính chất nhạy cảm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc” (Nghị định 61/2009 của Chính phủ). Bởi lẽ những sự kiện, hành vi nào ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến thuần phong mỹ tục thì chưa được giải thích rõ.
Còn theo ông Nguyễn Toàn Thắng, một vấn đề khác là tính pháp lý của vi bằng do TPL lập chưa rõ nên nhiều cán bộ không coi trọng. “Do vi bằng chưa được biết đến và sử dụng rộng rãi nên trong các giao dịch dân sự, khi người dân đưa ra các vi bằng do TPL lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì không được công nhận. Chẳng hạn người dân đưa vi bằng xác nhận về việc chuyển giao quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho các cán bộ nhà nước để làm cơ sở cho việc làm giấy hồng thì đa số cán bộ không chấp nhận và thường gây khó dễ” - ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, thực tế ở TP Hà Nội đang tồn tại loại hình dịch vụ vay vốn giữa các cá nhân với nhau. Do nhu cầu cần vốn, nhiều người đi vay tín dụng của cá nhân và thế chấp nhà cửa hoặc giấy tờ nhà, đất. Hai bên thường lập hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, hầu hết đều không được công chứng theo quy định. “Giao dịch này vẫn tồn tại trên thực tế. Vì vậy nên chăng quy định cho phép TPL lập vi bằng xác nhận sự kiện cho vay, sự kiện lấy nhà làm đảm bảo cho việc trả nợ? Khi tòa án giải quyết thì có đủ căn cứ qua việc lập vi bằng để phân xử đúng với quy định của pháp luật và bản chất của vụ việc” - ông Thắng kiến nghị.
Đức Hoài
Nguồn: Báo PLO