(Thừa phát lại 24h) - Sở Tư pháp thành phố Hà Nội vừa tổ chức một buổi tuyên truyền về chế định Thừa phát lại (TPL) cho người dân quận Nam Từ Liêm như một hoạt động thiết thực hướng tới Ngày Pháp luật năm 2014 trên địa bàn thành phố. Có tham dự buổi tuyên truyền này mới thấy người dân Thủ đô rất quan tâm tới chế định TPL và có nhiều việc cần sử dụng tới dịch vụ này.
Một người dân Hà Nội đang tìm hiểu các quy định về Thừa phát lại
qua các tài liệu được phát tại Hội nghị
Từ sáng sớm, Hội trường trung tâm của UBND quận Nam Từ Liêm đã chật kín người tới nghe giới thiệu về việc thí điểm chế định TPL trên địa bàn thành phố. Sau một lúc ngồi chăm chú, đọc đi đọc lại tờ gấp giới thiệu về TPL vừa được phát, ông Trần Trung Thành ở phường Cầu Diễn mới ồ lên rằng, giờ ông đã hiểu TPL là gì. Lâu nay, ông Thành vẫn thấy đài, báo nhắc đến TPL, nhưng đến hôm nay ông mới chú tâm theo dõi để hiểu cặn kẽ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, vốn là Chủ tịch Hội Luật gia quận Nam Từ Liêm cho biết, tuy công tác trong lĩnh vực pháp luật nhưng thực sự bà cũng chưa nắm hết các công việc TPL được làm. Bà Xuân tâm sự: “Tôi biết TPL lâu rồi, nhưng không ngờ nó có nhiều nhiệm vụ như vậy. Nếu TPL đi vào cuộc sống, không chỉ người dân được hưởng lợi mà Nhà nước cũng giảm được gánh nặng rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay đại đa số người dân chưa hiểu nhiều về TPL, bởi vậy, tôi cho rằng phải tích cực tuyên truyền nhiều hơn nữa về chế định mới này”.
Phát biểu tại buổi tuyên truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết, hiện nay Hà Nội đã thành lập 8 Văn phòng TPL, đó là: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thủ Đô, Đông Dương. Các Văn phòng TPL đều có trụ sở khang trang, đặt trên các tuyến phố thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Sở Tư pháp đã có kế hoạch tuyên truyền về TPL rộng khắp bằng nhiều loại hình, phương tiện để người dân nắm được. Từ đó, người dân biết sẽ đến TPL và TPL sẽ đi vào đời sống một cách thiết thực.
Đức Hoài
Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam