(Thừa phát lại 24h)-TP HCM còn khoảng 2.200 vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong từ 3 năm trở lên; hơn 200 vụ việc án tuyên không rõ ràng, khó thi hành…
Ông Lê Văn Vĩnh (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) là nguyên đơn trong vụ án đòi lại nhà cho thuê và đã được TAND quận giải quyết. “Bản án đã có hiệu lực từ tháng 8-2007 nhưng đến nay, tôi vẫn chưa nhận được nhà. Quá gian nan, quá khổ dù mình là người được thi hành án (THA)” - ông Vĩnh nói. Đây là một trường hợp cụ thể về việc chậm THA được đưa ra tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “THA dân sự: Thực trạng và giải pháp” do HĐND và Đài Truyền hình TP HCM phối hợp tổ chức vào sáng 2-11.
Tuyên án không rõ ràng
Theo đại diện Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận, bản án không thi hành được vì có điều kiện phải mua cho bà Nguyễn Thị Cơ - người thuê nhà - một căn nhà có giấy tờ nhưng chỉ với số tiền khoảng 325 triệu đồng. Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận đã nhiều lần vận động gia đình ông Vĩnh dành 1/3 diện tích căn nhà cho thuê để xây dựng nhà tình thương cho bà Cơ hoặc hỗ trợ một số tiền để bà mua nhà. Gia đình ông Vĩnh chỉ đồng ý hỗ trợ bà Cơ hơn 200 triệu đồng và cùng Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận đi tìm nhà cho bà. Tuy nhiên, không có căn nhà nào phù hợp với số tiền trên nên đến nay, bản án vẫn chưa được thi hành.
Không đồng ý cách giải quyết của Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: “Tại sao lại có điều kiện vô lý như vậy? Nếu là người cho thuê nhà thì anh có đồng ý với phương án đó không? Ở đây, chi cục đang bảo vệ quyền lợi của ai?”. Đại diện Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận giải thích vì bà Cơ thuộc hộ nghèo gồm 17 nhân khẩu nên khó cưỡng chế. “Nếu gia đình bà Cơ có học thức thì đã hợp thức hóa căn nhà vì đã ở hơn mấy chục năm” - đại diện Chi cục THA dân sự quận Phú Nhuận nói. “Đi thuê nhà mà nói nếu có học thức thì đã hợp thức hóa để chiếm nhà của người ta. Pháp luật nào quy định chuyện đó?” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc.
Chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “THA dân sự: Thực trạng và giải pháp”
Trường hợp của ông Vĩnh là một trong hàng ngàn vụ việc không THA được mà nguyên nhân chủ yếu là bản án không rõ ràng, người phải THA cố tình chây ì đã tạo điểm nghẽn trong việc THA dân sự ở TP HCM. Trong năm qua, Cục THA dân sự TP HCM đã thụ lý gần 90.000 vụ việc, bao gồm hơn 63.000 vụ việc thụ lý mới, năm trước chuyển sang hơn 26.000 vụ việc; trong đó đã giải quyết xong hơn 65.000 vụ việc. Tuy nhiên, hiệu quả công tác THA dân sự chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, còn tình trạng án kéo dài nhiều năm chưa thi hành hoặc chậm tổ chức THA làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Bà Phạm Thị Thanh Loan, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TP HCM, cho rằng bên cạnh bất cập của Luật THA dân sự năm 2008, quy trình xử lý thủ tục quá rườm rà làm cho việc THA kéo dài thì nguyên nhân chủ quan là một bộ phận cán bộ, công chức ngành THA còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; một số chấp hành viên chưa tích cực, công tâm trong thực thi nhiệm vụ, còn ngại khó, ngại va chạm; cá biệt còn hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực.
Ông Phạm Văn Bá, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP còn khoảng 2.200 vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong từ 3 năm trở lên; hơn 200 vụ việc án tuyên không rõ ràng, khó thi hành; có nơi 80% bản án chuyển chậm cho cơ quan THA.
Cần giải pháp đồng bộ
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang nhận định việc bản án gửi chậm, tuyên không rõ ràng là vấn đề lớn và yêu cầu TAND TP phải báo cáo cụ thể cho Ban Chỉ đạo THA TP. Ông Tất Thành Cang cũng đề nghị ngành THA dân sự TP cần phát huy hiệu quả chế định thừa phát lại trong thời gian tới, ứng dụng ngay công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ vụ việc. Đặc biệt, phải tạo động lực tinh thần cho đội ngũ THA; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, xem họ là một đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung để có thể bố trí, luân chuyển, đào tạo.
Bà Phạm Thị Thanh Loan khẳng định ngành THA dân sự TP tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường phòng chống tiêu cực tham nhũng trong THA dân sự; củng cố đội ngũ cán bộ, công chức ngành THA dân sự; chủ động bồi dưỡng, đào tạo chấp hành viên theo nhu cầu hiện nay; đẩy mạnh giải quyết các vụ án có trọng tâm, trọng điểm như những vụ việc kéo dài liên quan đến ngân hàng, tổ chức tín dụng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy 24 quận, huyện; tăng cường phối hợp với các văn phòng thừa phát lại để đẩy nhanh việc THA.
Phó Viện trưởng VKSND TP HCM Nguyễn Nhật Nam kiến nghị hoàn chỉnh cơ chế pháp luật về THA, hoàn thiện Luật THA dân sự năm 2008 cho phù hợp với thực tiễn.
Nguồn: Báo Người lao động
Người viết : duchoai