Thừa phát lại dẫm chân công chứng viên?

(Vi bằng Thừa phát lại)Đó câu hỏi được đặt ra cho ông Lê Xuân Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.
- Thưa ông, một trong những công việc được đánh giá là “thế mạnh”, “độc quyền” của thừa phát lại hiện nay chính là lập vi bằng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng, giữa hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại với với hoạt động công chứng của công chứng viên đang có sự chồng chéo, “dẫm chân” nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nếu xét hình thức, việc lập vi bằng của thừa phát lại và công chứng của công chứng viên có thể có những nét tương đồng trong phương pháp tiến hành hay mục đích hoạt động. Nhưng nếu đánh giá thừa phát lại “dẫm chân” công chứng là không đúng bởi  tính chất, giá trị pháp lý của hai hoạt động này hoàn toàn khác nhau.  Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Còn vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi mà đích thân Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Như vậy ở hoạt động công chứng, công chứng viên đưa ra xác nhận về tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự; còn ở hoạt động lập vi bằng, thừa phát lại không đưa ra nhận định đúng, sai mà chỉ ghi nhận lại trung thực, khách quan sự kiện, hành vi xảy ra do mình chứng kiến.
Có thể lấy một ví dụ đơn giản để thấy sự khác nhau giữa hoạt động lập vi bằng và hoạt động công chứng như thế này: Bên A và bên B ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi đó họ phải đến văn phòng công chứng, gặp công chứng viên để thỏa thuận và ký kết hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên. Sau khi hợp đồng được ký kết với sự chứng thực của công chứng viên, hai bên "bước ra khỏi cửa" văn phòng công chứng thì công chứng viên không nhất thiết phải quan tâm đến việc sau đó hợp đồng đó được thực hiện như thế nào? Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiến hành ra sao? Có vi phạm trong thực hiện các thỏa thuận không? Từ đây có thể sẽ xuất hiện vai trò của thừa phát lại. Thừa phát lại có thể sẽ chứng kiến và lập vi bằng về việc chuyển giao quyền sử dụng đất, lập vi bằng về những vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng... nếu các bên yêu cầu họ làm vậy.
Ông Lê Xuân Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp giới thiệu về chế định thừa phát lại đến với người dân Thủ đô.     Ảnh: Thanh Hải
- Như ông vừa phân tích thì rõ ràng tính chất của hoạt động lập vi bằng và hoạt động công chứng là khác nhau. Nhưng trên thực tế vẫn có sự chồng chéo giữa hai hoạt động này thưa ông?
Như trên đã nêu, nếu xét về tính chất công việc thì không có sự chồng chéo giữa công chứng và lập vi bằng. Nếu còn có hiện tượng chồng chéo là do quá trình áp dụng. Trước hết là do nhiều người chưa hiểu đúng tính chất, giá trị pháp lý của hai hoạt động này. Nhiều người dân lầm tưởng rằng, vi bằng là văn bản có giá trị pháp lý công nhận một sự kiện, hành vi nào đó, như xác nhận về chủ quyền, quyền sở hữu, quyền sử dụng và chứng thực cho giao dịch mua bán tài sản giữa hai bên. Trong khi thật ra trong trường hợp này, vi bằng chỉ là một “biên bản”, “bản chụp” do thừa phát lại lập ra, ghi nhận lại các sự kiện, hành vi đó mà thôi.
Hai là, thông thường các giao dịch được thực hiện thông qua chuỗi các hành vi. Quá trình thực hiện các hành vi đó có thể có tình trạng lợi dụng “cắt” riêng lẻ một sự kiện, hành vi nào đó và yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng nhằm thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cho phép. Chẳng hạn, đất chưa có sổ đỏ nhưng A vẫn đem bán cho B. Đương nhiên với trường hợp này, A và B không thể ra văn phòng công chứng yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất. Và họ có thể lợi dụng việc lập vi bằng để thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cho phép.
- Vậy, Bộ Tư pháp đã có giải pháp gì để lập vi bằng không chồng chéo với hoạt động công chứng, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng việc lập vi bằng để thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cho phép thưa ông?
Giải quyết tình trạng này thì ngày 19-9-2014 vừa qua, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4003/BTP-TCTHADS hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động thừa phát lại, trong đó nêu rất rõ: “Để lập vi bằng không chồng chéo với hoạt động công chứng, chứng thực, lợi dụng việc lập vi bằng để thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cho phép, các văn phòng thừa phát lại cần lưu ý một số nội dung. Đó là, không lập vi bằng để chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; không xác nhận chữ ký, bản sao từ bản chính; không lập vi bằng các sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng, trừ trường hợp sự kiện, hành vi trái pháp luật do người khác thực hiện ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng. Chúng tôi cũng thường xuyên quán triệt đến các Thừa phát lại, các Văn phòng thừa phát lại là phải giải thích đầy đủ cho các đương sự khi đến lập vi bằng để họ hiểu rõ được giá trị pháp lý của việc lập vi bằng là gì?
Ngoài ra, trong các buổi tập huấn, tuyên truyền về chế định thừa phát lại cho cán bộ và nhân dân Thủ đô, chúng tôi cũng phân tích rất kỹ sự khác nhau giữa  vi bằng và công chứng cả về tính chất, phạm vi, hình thức, giá trị pháp lý. Trên cơ sở đó, người dân sẽ lựa chọn được dịch vụ pháp lý đúng với nhu cầu của mình.
Trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Đức Hoài
Trích đăng từ: Báo pháp luật và xã hội
Mới hơn Cũ hơn