Ghi âm như thế nào để sử dụng được trước Tòa?

(Vi bằng Thừa phát lại) -Trên chuyên mục Pháp luật>> Tư vấn của Báo điện tử VnExpress ngày 28.02.2015, bạn đọc Hữu Duyên có đăng tải câu hỏi nhờ tư vấn như sau: “Tôi thường ghi âm những cuộc trao đổi quan trọng giữa mình và đối tác làm ăn. Tôi muốn biết khi xảy ra việc phải nhờ đến toà giải quyết, tôi có thể sử dụng nội dung ghi âm này là bằng chứng bảo vệ mình hay không?”
Hỗ trợ từ phía Thừa phát lại:
Chào bạn!
Thực tế hoạt động Thừa phát lại, chúng tôi gặp khá nhiều trường hợp giống như bạn, phổ biến là các trường hợp cần xác nhận nợ, xác nhận một nghĩa vụ, lời khai, lời làm chứng nhưng đối tác không muốn ký văn bản xác nhận, hoặc ra Tòa làm chứng.
Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011: Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho tòa án hoặc do tòa án thu thập.
Điều 82 quy định chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau:
- Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
…;
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Đối chiếu quy định này có thể thấy băng ghi âm là tài liệu nghe được và được coi là một nguồn chứng cứ. Băng ghi âm do bạn cung cấp chỉ được Tòa án xem là chứng cứ nếu “được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan của việc thu âm, thu hình đó” theo quy định tại Điều 83 Bộ luật tố tụng dân sửa đổi bổ sung năm 2011. Tức rằng, băng ghi âm đó phải được xuất trình cùng biên bản làm việc về nội dung cụ thể trong băng có đầy đủ chữ ký của các bên hoặc các bên đều thừa nhận trước Tòa án giọng nói trong băng ghi âm là của mình, ngày giờ diễn ra sự việc…
Nếu không đáp ứng các điều kiện trên thì băng ghi âm do bạn cung cấp cho Tòa chỉ được xem là nguồn chứng cứ tức rằng để Tòa tham khảo và cần sử dụng thêm các phương pháp khác để xác định có phải là chứng cứ hay không như giám định giọng nói trong băng ghi âm.
Từ các quy định trên có thể thấy rằng, việc bạn tự thu thập chứng cứ để phục vụ các vụ việc pháp lý có liên quan sau này sẽ gặp 2 trở ngại: Thứ nhất là kỹ năng, phương pháp thu thập chứng cứ sao cho đầy đủ, thuyết phục. Thứ hai, bạn sẽ gặp trở ngại lớn trong việc chứng minh nguồn gốc và tính xác thực của băng ghi âm.
 Vậy, có cơ quan hay tổ chức nào có thể hỗ trợ bạn trong trường hợp này? Câu trả lời là các văn phòng Thừa phát lại.
Thừa phát Trịnh Văn Tốt (ngoài cùng bên trái)-VP Thừa phát lại Q. Thủ Đức
đang lập vi bằng ghi nhận cuộc họp
Các văn phòng Thừa phát lại là tổ chức được nhà nước thành lập, có các Thừa phát lại được nhà nước bổ nhiệm trao cho các thẩm quyền mang tính quyền lực công mà trong đó có thẩm quyền lập vi bằng.
Quay trở lại với trường hợp của bạn, nếu bạn có yêu cầu, các Thừa phát lại sẽ có mặt tại địa điểm bạn và bên đối tác làm việc và trao đổi. Bằng các nghiệp vụ chuyên môn của mình, các Thừa phát lại sẽ ghi âm/ghi hình toàn bộ cuộc trao đổi làm việc của bạn và đối tác và xác lập vi bằng. Trong vi bằng, Thừa phát lại sẽ mô tả lại buổi làm việc, đồng thời đính kèm các đĩa ghi âm/ghi hình.
Vi bằng được lập xong sẽ được đăng ký tại Sở Tư pháp trong thời hạn 3 ngày làm việc, có giá trị chứng cứ trước Tòa hoặc các quan hệ pháp lý khác, là cơ sỡ vững chắc giúp bạn bảo vệ quyền lợi của mình.

Mới hơn Cũ hơn