Thừa phát lại giúp dân “đòi” quyền lợi

Thừa phát lại giúp dân “đòi” quyền lợi



Thừa phát lại (TPL) Nguyễn Tiến Pháp – Trưởng Văn phòng TPL quận Thủ Đức cho rằng, nếu người dân rơi vào trường hợp có tranh chấp nợ nần thì nên nhờ Thừa phát lại lập Vi bằng giao thông báo. Hết thời hạn mà bên vay vẫn không trả thì bên cho vay nên sử dụng Vi bằng đó để làm chứng cứ khởi kiện tại Tòa án mà không cần phải hòa giải ở UBND phường.

Chưa đủ điều kiện khởi kiện
(Ảnh: Thừa Phát Lại Thủ Đức đang lập vi bằng giao thông báo)
TPL Nguyễn Tiến Pháp kể: Vào một ngày cuối năm 2014, ông Nguyễn B.N. (ngụ tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM) đến Văn phòng TPL quận Thủ Đức và mang theo 2 Bản án số 32/2014/DS-ST ngày 27/06/2014 về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản của TAND quận Đ., TP.HCM và số 1518/2014/DS-PT ngày 02/12/2014 của TAND TP.HCM tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 32 với lý do là nguyên đơn không đủ điều kiện khởi kiện do chưa gửi “thông báo đòi nợ” cho bị đơn.
Ông Nguyễn B.N trình bày với TPL rằng, do quen biết nhau nên ông có cho ông Nguyễn T.D., ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức vay số tiền 70.000.000 đồng, có viết giấy tay ghi ngày 15/10/2011. Trong giấy vay mượn này, các bên không xác định thời hạn vay là bao lâu. Chính vì vậy, kể từ ngày vay đến khoảng giữa năm 2014, ông D. không đả động gì đến việc trả nợ cũng như lãi vay dù ông N. đã nhiều lần yêu cầu ông D. trả nợ. 
Không còn cách nào khác, ông N. đành làm đơn ra UBND phường Trường Thọ, quận Đ. nơi ông D. cư trú để nhờ hòa giải. Tuy nhiên, cả 2 lần UBND phường mời lên hòa giải ông D. đều không có mặt nên UBND phường Trường Thọ ra Thông báo về việc hòa giải không thành số 200/TB-UBND ngày 30/12/2013. Đến ngày 10/1/2014, ông N. khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết và chỉ yêu cầu ông D. trả số tiền gốc đã vay mà không yêu cầu trả lãi. 
Bản án số 32 nói trên của Tòa án quận Đ. tuyên: Chấp nhận yêu cầu của ông N., buộc ông D. phải trả số tiền đã vay cho ông N. Tuy nhiên sau đó, người đại diện của ông D. làm đơn kháng cáo lên TAND TP.HCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án do ông N. không có thông báo đòi nợ đến ông D. trước khi tiến hành khởi kiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử  nhận định: “Không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh ông Nguyễn T.D. đã được ông Nguyễn B. N báo trước về việc đòi nợ nên ngày 10/01/2014, ông N. khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Nguyễn T.D. trả nợ là chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 477 Bộ luật Dân sự năm 2005; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không đúng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2011”. Từ đó Tòa tuyên hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại khi có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định pháp luật.
Lập vi bằng giao thông báo để hạn chế rủi ro
Nhận thấy việc hỗ trợ ông N. lập vi bằng giao thông báo đòi nợ cho ông D. là cần thiết và phù hợp quy định pháp luật, Văn phòng TPL quận Thủ Đức đã lập vi bằng ghi nhận sự kiện nói trên. Ngay sau khi hết hạn trả nợ ghi trong thông báo nhưng không thấy ông D. trả nợ, ông N. đã sử dụng vi bằng do TPL lập để tiến hành thực hiện thủ tục khởi kiện lần 2 và đang được Tòa án quận Thủ Đức thụ lý giải quyết.
Liên quan đến vấn đề vừa nêu, ông Trịnh Văn Tốt – Phó Trưởng Văn phòng TPL quận Thủ Đức cho biết: Không chỉ thủ tục khởi kiện đòi nợ không xác định thời hạn đòi hỏi thủ tục giao thông báo, trong đó xác định rõ số tiền phải trả, và cho một thời gian hợp lý để trả nợ; mà trong rất nhiều loại việc khác cũng cần thiết lập vi bằng như: Thủ tục đòi nhà cho thuê, cho ở nhờ; thủ tục thông báo quyền ưu tiên mua phần vốn góp, phần sở hữu trong tài sản đồng sở hữu; thủ tục thông báo quyền ưu tiên thuê nhà; mua tài sản; thông báo mời họp Hội đồng thành viên, hội đồng kỷ luật, hội đồng quản trị; thông báo mời họp để thỏa thuận, giải quyết hợp đồng, tranh chấp… 
Thực tế cho thấy, việc giao thông báo được thực hiện rất khó khăn, vì bên nhận thông báo thường bất hợp tác nên họ sẽ không nhận, không ký. Mặt khác, nếu gửi qua đường bưu điện thì không bảo đảm tính pháp lý. Vì vậy, tổ chức, cá nhân nên yêu cầu TPL lập vi bằng để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. 
Luật sư Nguyễn Thị Nguyệt Thanh - Văn phòng Luật sư Việt An Sài Gòn chia sẻ: Theo quy định của Điều 477 Bộ luật Dân sự 2005: “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác”. 
Vậy nên, trước khi khởi kiện tại Tòa án, bên cho vay cần phải thông báo cho bên vay về việc thanh toán tiền vay hoặc bằng một phương thức khác để bên vay biết việc đòi tiền vay. Còn nếu rơi vào những trường hợp tương tự như trên thì người dân nên nhờ TPL lập vi bằng giao thông báo. 
(Theo Tố Nhi - PLO)

Mới hơn Cũ hơn