Thừa phát lại đang dần tạo chỗ đứng


Tại buổi tọa đàm về hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại tại Sở Tư pháp TP.HCM ngày 24-7, một vấn đề được các đại biểu chú ý là hoạt động này của thừa phát lại trên địa bàn TP.HCM đã dần đi vào nề nếp, đảm bảo giá trị chứng cứ...
Theo số liệu thống kê, từ khi thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) đến nay, các văn phòng TPL ở TP.HCM đã lập được 32.527 vi bằng (số vi bằng được lập tăng theo từng năm). Bên cạnh đó, các vi bằng được lập có nhiều nội dung đa dạng, phong phú về sự kiện, hành vi xảy ra trong đời sống xã hội. Tổng doanh thu của các văn phòng TPL đạt hơn 68 tỉ đồng, trong đó doanh thu chủ yếu vẫn đến từ việc lập vi bằng.
Hỗ trợ thu thập chứng cứ
Đánh giá về hoạt động lập vi bằng của TPL, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: Ở các nước phát triển, TPL là trợ thủ đắc lực của luật sư trong việc thực hiện quyền thu thập chứng cứ. Ở Việt Nam, TPL cũng đang dần tạo chỗ đứng trong xã hội. Thực tế hiện nay, việc lập vi bằng của TPL mang vai trò hòa giải, thương lượng giữa các bên nhằm tránh sự khởi kiện tranh chấp tại tòa án. Trên cơ sở vi bằng đã lập, mỗi bên đều thấy được sự thật của sự kiện đã xảy ra. Do đó, nhiều khi các bên bớt căng thẳng, đôi co và đi đến thống nhất trong thương lượng, hòa giải.
Trong trường hợp các bên không hòa giải được mà phải ra tòa thì vi bằng của TPL có giá trị là chứng cứ. Tuy nhiên, luật sư Hòa lưu ý: Dù có được công nhận là chứng cứ thì khi ra tòa, vi bằng của TPL vẫn phải được HĐXX đánh giá theo quy định. Vì vậy, vi bằng của TPL cần phải được lập đúng thẩm quyền, đúng thủ tục, nội dung cơ bản, minh bạch, khách quan. Việc đăng ký vi bằng của TPL tại Sở Tư pháp cũng phải được quy định cụ thể để đảm bảo tính xác thực về thời điểm lập vi bằng.
Nhân viên Văn phòng TPL quận Thủ Đức (TP.HCM) đang làm việc với người dân. Ảnh: H.TÚ

Theo Thẩm phán Quách Hữu Thái (Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM), từ khi chế định TPL được thực hiện thí điểm tại TP.HCM đến nay, đã có 117 vụ việc mà TAND hai cấp ở TP sử dụng vi bằng của TPL làm chứng cứ trong xét xử. “Việc lập vi bằng giúp đương sự bảo vệ hiệu quả về quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về phạm vi lập vi bằng của TPL: TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự nhưng liên quan đến chuyện bảo đảm an ninh, quốc phòng, vi phạm bí mật đời tư… thì không được thực hiện” - Thẩm phán Thái nói.
Tránh chồng chéo giữa TPL và công chứng
Tại buổi tọa đàm, có nhiều ý kiến góp ý để hoạt động lập vi bằng của TPL đạt hiệu quả hơn nữa thì cần làm rõ một số nội dung để tránh chồng chéo với hoạt động công chứng.
Theo công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Vinh (Phó Trưởng phòng Công chứng số 1), thoạt nhìn hoạt động của TPL có những nét giống với hoạt động của công chứng viên, nhất là giữa hành vi công chứng với hành vi lập vi bằng khiến một số người nhầm lẫn. Tuy nhiên, cần phân biệt là văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên, có giá trị chứng cứ đương nhiên không cần phải chứng minh, là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch đảm bảo… Còn vi bằng của TPL cũng dùng làm chứng cứ trong tố tụng hoặc trong các quan hệ pháp lý khác nhưng việc sử dụng làm chứng cứ mang tính “tùy nghi” (tùy đánh giá của cơ quan chức năng). Vi bằng không phải là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu, chuyển quyền sở hữu tài sản…
Bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) góp ý: Để hoạt động TPL ngày càng ổn định và phát triển thì cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; thống nhất quy định pháp luật trong một số lĩnh vực cho phù hợp với chế định TPL. Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự chỉ đạo để các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp, hỗ trợ hoạt động của TPL. Cần đẩy mạnh tuyên truyền vì đối với người dân hiện nay, khái niệm TPL vẫn còn xa lạ nên người dân có tâm lý chưa tin tưởng đối với một số công việc mà TPL thực hiện...
Lập vi bằng mang lại lợi ích cho dân

Lập vi bằng là hoạt động chủ yếu của các văn phòng TPL và nó mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân. Thực tiễn hiện nay người dân có nhu cầu nhờ TPL để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Vì thế, TPL cần hoàn thiện và phát huy hơn nữa vai trò trong hoạt động hành nghề.
Bên cạnh đó, cần có sự tuyên truyền để người dân hiểu rõ và hiểu một cách chính xác hơn về TPL. Việc so sánh giữa công chứng và TPL có sự ngộ nhận, vì thế cần nhận diện đúng vấn đề. Công chứng là xác thực hợp đồng giao dịch và tính hợp pháp, có giá trị thi hành đối với cả hai bên. Vi bằng là ghi nhận sự kiện pháp lý không có giá trị thi hành nhưng có giá trị làm chứng cứ. Vi bằng TPL để tạo lập chứng cứ không có giá trị thi hành, không phải đương nhiên được chấp nhận. Việc người dân hiểu không đúng về vi bằng là lỗi của TPL. Trước khi lập vi bằng, TPL cần giải thích kỹ về tính pháp lý, nếu người dân hiểu và chấp nhận thì mới thực hiện.
TS NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp
(Nguồn: NGUYỄN HIỀN, PLO)
Mới hơn Cũ hơn