TP.HCM kiến nghị chính thức công nhận thừa phát lại
(Ông Tất Thành Cang (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phap Nguyen)
(PL)-
Tất cả đại biểu tham dự hội nghị đánh giá kết quả thí điểm chế định thừa phát
lại tại TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức chiều 3-8 đều thống nhất kiến nghị Quốc
hội xem xét, cho phép áp dụng chính thức chế định thừa phát lại.
Tại
hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy
TP.HCM) khẳng định: “Việc thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) là để nắm bắt
được những vấn đề phát sinh khi triển khai chế định này ra thực tiễn chứ không
phải thí điểm để được thì làm, không được thì thôi mà cần quyết tâm làm thành
công”.
“Chỉ
có TPL mới lập vi bằng giúp dân”
Đây
là khẳng định của bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM. Theo bà Hương,
lập vi bằng chính là thế mạnh của TPL. Ngoài TPL, không có một hệ thống cơ quan
nào giúp người dân xác lập được chứng cứ theo yêu cầu với thủ tục đơn giản và
không hạn chế thời gian. Vi bằng giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình khi tham gia giao dịch dân sự cũng như tham gia quá trình tố
tụng. Ngoài ra, vi bằng cũng giúp tòa và các cơ quan hành chính nhà nước khác
giải quyết khiếu nại, tranh chấp của người dân được khách quan, chính xác, kịp
thời, phù hợp pháp luật, đẩy nhanh được tiến độ.
Đồng
thuận, ông Huỳnh Thành Lập (Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nói: “Cái gì
Nhà nước cũng ôm đồm thì chịu sao xiết. TPL làm tốt, hiệu quả, giúp được dân,
hỗ trợ được các cơ quan nhà nước khác thì nên tiếp tục làm. Ví dụ nhà bên cạnh
xây dựng làm nứt tường, kêu UBND phường, công an xuống thì họ đâu có chức năng
để giải quyết. Bấy giờ kêu ông TPL lập vi bằng là đúng nhất để làm chứng cứ
giải quyết sau đó”.
Theo
ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh), ngoài giá trị làm
chứng cứ, vi bằng còn làm cơ sở cho người dân khởi kiện ra tòa. Ví dụ vi bằng
ghi nhận việc một bên có giao thông báo đòi nhà, đòi tài sản… Những trường hợp
này luật bắt buộc trước khi khởi kiện thì đương sự phải chứng minh đã thực hiện
thủ tục thông báo yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ.
Dân
có lợi, ngành thi hành án cũng có lợi
Theo
ông Nguyễn Văn Lực (Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM), Cục
THADS TP rất kỳ vọng hoạt động trực tiếp tổ chức THA của TPL sẽ chia sẻ được
công việc của cơ quan THADS.
Ông
Lực nói: “Lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn từ nhận thức của cán bộ ngành nên
Cục THADS TP đã tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho lãnh đạo, cán bộ ngành
về chủ trương thực hiện chế định TPL một cách nghiêm túc. TPL là người bạn đồng
hành chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ trên tinh thần hợp tác chân thành, cạnh
tranh lành mạnh với cơ quan THA. Có cạnh tranh lành mạnh thì mới có chuyển biến
tích cực. Đối với công việc của TPL thì người dân có lợi, cơ quan THA cũng có
lợi nên phải hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ. Ai không chấp hành thì kịp thời
uốn nắn, nếu không nữa thì xử lý kỷ luật. Trong năm 2014, Cục đã kỷ luật một
chi cục trưởng không chấp hành chủ trương trên”.
Ông
Lực khẳng định: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện để TPL hoạt động như tổ chức hội
nghị để TPL giới thiệu mình, kêu gọi các ngân hàng tại TP.HCM sử dụng dịch vụ
của TPL. Tại trụ sở các chi cục THADS có bố trí các bảng hiệu, chỗ ngồi giới
thiệu về TPL để người dân biết lựa chọn cơ quan THADS hay TPL tổ chức THA”.
Kiến
nghị chính thức công nhận chế định TPL
Theo
nhiều đại biểu, điều làm người dân chưa yên tâm về TPL chính là cơ chế thí
điểm. Cạnh đó, trong điều kiện thực hiện thí điểm, văn bản quy phạm pháp luật
điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TPL chưa thể đầy đủ, hoàn thiện, quy
định pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định pháp luật về
TPL. Điều này đã trực tiếp gây khó khăn, làm cho kết quả hoạt động TPL trong
hai mảng hoạt động là xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA chưa
tương xứng với tiềm năng.
Theo
đại diện VKSND TP.HCM, số lượng vụ việc xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ
chức THA của TPL còn thấp có thể lý giải nguyên nhân cũng do những tồn tại hạn
chế từ cơ chế thí điểm mang lại. Để TPL phát triển hai mảng hoạt động này thì
cần phải công nhận chính thức TPL.
Ông
Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết sự tham gia của TPL chẳng
những không làm cho hoạt động tư pháp bị xáo trộn mà còn góp phần bổ khuyết cho
những hạn chế tự thân của hoạt động tư pháp, làm cho hoạt động này hiệu quả
hơn, chặt chẽ hơn, đúng vai trò hơn. Kết quả của một số lĩnh vực hoạt động của
TPL còn chưa đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, cơ bản là do những tồn tại hạn
chế từ cơ chế thí điểm mang lại. Vấn đề này sẽ được khắc phục nếu loại bỏ tính
chất thí điểm này để hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan. Từ đó, UBND
TP.HCM kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL Trung ương báo cáo
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng chính thức chế định TPL.
Việc này sẽ tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế, bảo đảm phát huy tối đa tiềm
năng của chế định này.
Ông
Đinh Trung Tụng (Thứ trưởng Bộ Tư pháp) đánh giá việc TP.HCM tổ chức thí điểm
thành công chế định TPL đã tạo nên hiệu ứng tốt trong xã hội; khẳng định chủ
trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã được đông đảo người dân ủng hộ. Ông
Tụng cho biết thêm tại buổi thăm và làm việc mới đây của Chủ tịch nước tại Bộ
Tư pháp, Chủ tịch nước đã có ý kiến là tiếp tục thực hiện TPL chứ không gián
đoạn.
TP.HCM quyết liệt triển khai hoạt
động TPL
Nếu TP.HCM không quyết liệt triển khai các hoạt động TPL
thì không giải quyết được nhu cầu bức xúc của dân. Chủ yếu là công tác THADS.
TP.HCM có gần 80.000 hồ sơ THA với 600 biên chế chấp hành viên (CHV). Mỗi CHV
không đủ thời gian vật chất để làm khiến gánh nặng đè lên vai họ. Đây là một
bài toán khó. Chưa kể cơ quan THA phải tiếp dân, giải quyết khiếu nại, còn
phải tập trung THA án hành chính nữa. Hơn 1.000 án hành chính mà chúng ta
không thi hành tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước. Chính vì vậy, chúng
ta phải quyết liệt triển khai chế định TPL thành công, hiệu quả hơn nữa để
giải bài toán trên.
TP.HCM kiến nghị trung ương tiếp tục tổng kết, tham mưu để
chế định TPL đi vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Kiến nghị trung
ương tập trung tuyên truyền trên đài truyền hình, báo chí ở trung ương để phủ
sóng rộng khắp cả nước. Kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL
Trung ương hỗ trợ chỉ đạo ngành dọc (ngân hàng…) để TPL triển khai có hiệu
quả, đồng thời có sự quan tâm, động viên, khen thưởng kịp thời và cũng phải
tăng xử phạt đủ nghiêm, đủ mạnh để hạn chế các vi phạm của TPL.
Ông TẤT THÀNH CANG, Phó
Chủ tịch UBND TP.HCM
|
(Nguồn KIM PHỤNG - PLO)