Thẩm quyền cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại



Văn phòng Thừa Phát Lại Quận Thủ Đức
Qua năm năm thí điểm Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh, Thừa phát lại chưa thực hiện thủ tục cưỡng chế có sử dụng lực lượng, nguyên nhân chủ yếu là Thừa phát lại luôn đặt vấn đề giáo dục, thuyết phục trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự là phương pháp quan trọng nhất.
Hiện nay, có quan điểm không đồng tình về thẩm quyền cưỡng chế có sử dụng lực lượng của Thừa phát lại, vì Thừa phát lại hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, tự chủ về tài chính, không phải là cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, phải thấy rằng Văn phòng Thừa phát lại do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền tổ chức thi hành án tương tự như Chấp hành viên và thực hiện các công việc khác (lập vi bằng, tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án). Thừa phát lại là một công lại, được Nhà nước giao quyền tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc cho phép Thừa phát lại  có một số nhiệm vụ, quyền hạn tương đương chấp hành viên là phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Một vài ý kiến lo ngại “Thừa phát lại chỉ được thực hiện một số công việc thi hành án dân sự nên việc huy động lực lượng bảo vệ giải quyết vấn đề liên quan trật tự, an ninh, chính trị tại địa phương là không phù hợp với sự phân công và kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước”, hay “quyền cưỡng chế thi hành án dân sự là một quyền mang tính công vụ nhà nước. Nếu để các Văn phòng TPL (hoạt động như một DN tư nhân) đi cưỡng chế thi hành án các vụ án hành chính thì có nghĩa là dân đi cưỡng chế nhà nước. Thực tế, nhiều vụ việc dùng “đầu gấu” đi đòi nợ thuê thời gian qua đã gây mất ổn định chinh trị ở một số địa phương. Điều này cho thấy, việc để thừa phát lại cưỡng chế thi hành án cần phải cân nhắc[1]”, hay “không để thừa phát lại làm cưỡng chế thi hành án vì đây là công việc rất phức tạp[2]
Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã được quy định một cách cụ thể và chặt chẽ trong Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, quy trình nghiệp vụ tổ chức thi hành án được quy định cụ thể, đồng thời Thừa phát lại phải tuân thủ Luật Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, Thừa phát lại phải chịu sự quản lý của Sở Tư Pháp, Cục thi hành án dân sự, chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân. Vì vậy, cơ chế thực hiện việc tổ chức thi hành án của Thừa phát lại hoàn toàn năm trong sự kiểm soát của Nhà nước.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, Thừa phát lại có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự 2008. Tuy nhiên, trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Như vậy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ không còn là việc riêng giữa Văn phòng Thừa phát lại và các bên đương sự, mà còn là công việc của cả hệ thống chính trị, được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tham gia chỉ đạo thực hiện, không chỉ đảm bảo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành mà còn đảm bảo nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, hạn chế tối đa việc lạm quyền của Thừa phát lại. Chúng tôi cho rằng, quy trình cưỡng chế có sự dụng lực lượng theo quy định hiện nay phù hợp với thực tế triển khai trong thời gian thí điểm.
Việc tổ chức thi hành án do Chấp hành viên hay do Thừa phát lại thực hiện đều là nhằm mục đích đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án – vốn nhân danh Nhà nước tuyên án – được thực thi trên thực tế, đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ và thực hiện, không phải là việc riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Các tổ chức, cá nhân khác phối hợp tổ chức thi hành án là thực thi theo quy định của pháp luật chứ không thực hiện theo yêu cầu của cá nhân Thừa phát lại, không thể cho rằng việc đó là làm theo lệnh của Thừa phát lại. Trong quá trình hoàn thiện thể chế, chúng tôi đề nghị nên kế thừa Sắc lệnh 130 ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, cai trị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…”.
Mới hơn Cũ hơn