Vi bằng thông tin chế độ tài sản vợ chồng cho người thứ ba

Theo quy định của pháp luật, trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự[1].
Trường hợp này, Thừa phát lại sẽ lập vi bằng ghi nhận sự kiện giao thông báo, tài liệu cho người thứ ba.
Khi lập vi bằng này, Thừa phát lại sẽ đi cùng với người giao thông báo đến địa chỉ của người thứ ba, và ghi nhận lại quá trình người giao thông báo thực hiện mọi công việc cần thiết để giao thông báo, hoặc truyền tải thông tin đến người thứ ba. Trong quá trình lập vi bằng việc giao thông báo, Thừa phát lại có thể ghi âm, quay phim lại quá trình giao thông báo, đính kèm văn bản thông báo, đĩa ghi âm, ghi hình….
Lưu ý là thủ tục giao thông báo không phải là thủ tục tống đạt theo Luật tố tụng dân sự, hoặc thủ tục thông báo theo Luật Thi hành án dân sự, pháp luật cũng không quy định một trình tự, thủ tục nào để việc giao thông báo được xem là hợp lệ. Thừa phát lại cần tư vấn cho người giao thông báo thực hiện mọi công việc cần thiết để giao thông báo, hoặc truyền tải thông tin đến người thứ ba, và ghi nhận lại quá trình đó.
Ví dụ: Nếu gặp trực tiệp thì giao trực tiếp. Nếu không thể giao trực tiếp thì giao lại cho người khác ở cùng địa chỉ, và yêu cầu người đó cam kết giao lại. Trường hợp giao qua người khác, người giao thông báo cần gọi điện thoại cho người thứ ba nhận thông báo, và Thừa phát lại chụp hình, quay phim lại quá trình đó (nếu có số điện thoại). Tùy trường hợp, người giao thông báo có thể dán văn bản, tài liệu ngay cửa nhà của người người thứ ba nhận thông báo, nếu sau khi thực hiện mọi cách mà vẫn không giao trực tiếp được. Công việc của Thừa phát lại là phải ghi nhận lại toàn bộ quá trình nói trên để chứng minh người giao thông báo đã thực hiện mọi công việc cần thiết để giao thông báo, hoặc truyền tải thông tin đến người thứ ba nhận thông báo. Thực tế xét xử cho thấy, các vi bằng này của Thừa phát lại đã được Tòa án chấp nhận và dùng làm cơ sở để xét xử[2].


[1] Điều 16, Nghị Định số 126/2014/NĐ-CP của Chính Phủ  ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
 [2] Xem thêm “Vi bằng Thừa Phát Lại được Tòa án sử dụng để xét xử” , http://www.thuaphatlaithuduc.vn/vn/vi-bang-thua-phat-lai-duoc-toa-an-su-dung-de-xet-xu.html
Mới hơn Cũ hơn