Vi bằng và giá trị của vi bằng - P2 - Giá trị vi bằng


Dẫn nhập:
Sau 6 năm thí điểm, ngày 01/01/2016 Thừa phát lại đã chính thức hoạt động theo Nghị Quyết 107 của Quốc Hội. Hiện nay, Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đang chuẩn bị được Chính phủ thông qua.
Nhằm giúp mọi người tìm hiểu thêm về vi bằng của Thừa phát lại, Chuyên trang về Vi bằng Thừa phát lại xin giới thiệu những nội dung cơ bản nhất về vi bằng để các bạn tham khảo, với mong muốn mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều biết giá trị, ý nghĩa của vi bằng trongquan hệ pháp lý và trong đời sống xã hội, và điều quan trọng là biết khi nào cần đến Văn phòng Thừa phát lại để nhờ hỗ trợ, vì đây là công cụ mà pháp luật dành cho bạn để tự tạo lập chứng cứ, bảo vệ mình trong tranh chấp và các quan hệ pháp lý khác.
Chúng tôi tạm thời chia Chuyên đề thành 3 phần:
-         Phần II: Giá trị của Vi bằng
Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các bạn! Thân ái!
1. Sự cần thiết của Vi bằng:
Trong thực tế, có trường hợp bạn tham gia một giao dịch nào đó và cần người là chứng (thỏa thuận đặt cọc, giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ…), bạn có thể nhờ người quen, tổ trưởng tổ dân phố…Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp có thể vẫn mời người làm chứng lên để lấy lời khai. Người làm chứng sẽ mô tả lại những việc mà họ chứng kiến, có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, lời chứng của họ có là chính xác và đúng sự thật hay không thì cơ quan giải quyết tranh chấp cần đối chất, kiểm tra lại.
Khi nhờ người làm chứng, bạn cần lưu ý một số đối tượng không được làm chứng theo quy định của pháp luật: Người làm chứng không có quan hệ thân thích với người tham gia giao dịch, không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến giao dịch.
Ngoài ra, việc nhờ người làm chứng ảnh hưởng trực tiếp đến người làm chứng như: thời gian, công việc…Trong trường hợp người làm chứng ốm đau, bệnh tật hoặc chết thì sẽ ảnh hưởng quá trình giải quyết tranh chấp tại các cơ quan có thẩm quyền.
Còn đối với việc lập Vi bằng của Thừa phát lại thì chúng ta chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Cụ thể:
- Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm, có quyền ghi nhận chứng cứ theo yêu cầu của các bên.
- Thừa phát lại lập Vi bằng 24/24h, không hạn chế thời gian.
- Thừa  phát lại ghi nhận hành vi, sự kiện một cách khách quan, trung thực. Khi lập vi bằng về hành vi, sự kiện thì có mô tả bằng văn bản, quay phim, chụp hình và ghi âm (nếu cần thiết) tại thời điểm lập vi bằng.
- Vi bằng được lưu trữ theo chế độ lưu trữ của văn bản công chứng.
- Thừa phát lại lập Vi bằng ốm đau, bệnh tật, nghỉ việc, chết…; Văn phòng Thừa phát lại tạm ngưng hoạt động, giải thể… không làm ảnh hưởng đến giá trị chứng cứ của Vi bằng.
- Vi bằng đó phải được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập.


2. Vi bằng có giá trị chứng cứ trong xét xử, là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật:
Vi bằng được Thừa phát lập chỉ với một mục đích duy nhất, đó là tạo lập chứng cứ để các bên tham gia giao dịch tùy nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác.
Giá trị chứng cứ của Vi bằng thể hiện ở chỗ: Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà Thừa phát lại chứng kiến, trong đó, Thừa phát lại mô tả lại những gì mình thấy được, nghe được, ngửi được…, kèm theo có thể là hình ảnh, đoạn ghi hình, đoạn ghi âm để làm rõ thêm. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về tính xác thực về những gì mình đã ghi nhận trong vi bằng, do đó, vi bằng của Thừa phát lại đảm bảo tính khách quan của sụ kiện, hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận.
Theo thống kê của TAND Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 06/2015, TAND hai cấp tại Thành phố có 117 vụ việc sử dụng vi bằng của Thừa phát lại làm chứng cứ trong xét xử. Điều đáng lưu ý là, các vi bằng do Thừa phát lại lập đều được Tòa án sử dụng trong xét xử, chưa có vi bằng nào bị Tòa án tuyên vô hiệu.
Các vi bằng được sử dụng tại Tòa án thường phổ biến ở các loại việc và có những ý nghĩa sau:
- Vi bằng dùng làm cơ sở để thụ lý và giải quyết vụ án:  ghi nhận việc giao thông báo đòi nhà, đòi tài sản...  Những trường hợp này, trước khi khởi kiện tại Tòa án, đương sự phải chứng minh rằng mình đã thực hiện thủ tục thông báo yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ, và việc Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện có thông báo là chứng cứ quan trọng giúp đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án. Dựa trên vi bằng mà Thừa Phát lại đã lập, Tòa án đã thụ lý và dùng vi bằng  làm chứng cứ để xét xử.
Ví dụ: Ngày 29/6/2015, Tòa án nhân dân Quận Thủ Đức đã đưa vụ án trên ra xét xử. Tại Bản án số 210/2015/DS-ST ngày 29/6/2015 Tòa án nhân dân Q.Thủ Đức nhận xét:
“Ngày 25/12/2014, Văn phòng Thừa Phát Lại Quận Thủ Đức, TP. HCM có lập Vi bằng số 196/2014/VB-TPLQ.TĐ ghi nhận sự kiện, hành vi “ông Nguyễn B.N giao văn bản thông báo về việc đòi trả nợ lập ngày  25/12/2014 cho người nhận là ông Nguyễn T.D tại địa chỉ phường Trường Thọ, Q. Thủ Đức. Căn cứ Nghị định số 61/2009/NĐ-CP  về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại điều 28 quy định”Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án”,  được sửa đổi ngày 18/10/2013 tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP quy định “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử”. Như vậy, Vi bằng số 196/2014/VB-TPLQ.TĐ được coi là chứng cứ ông Nguyễn B.N đã thông báo về việc đòi nợ cho ông Nguyễn T.D vào ngày 25/12/2014.”
Do đó, cùng với những chứng cứ chứng minh ông Nguyễn T.D có vay nợ ông Nguyễn B.N , Tòa án nhân dân Quận Thủ Đức tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn B.N, buộc ông Nguyễn T.D phải trả cho ông Nguyễn B.N số tiền là 70.000.000 (bảy mươi triệu) đồng, việc thực hiện sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
 
Thừa phát lại Thủ Đức lập vi bằng thu hồi nhà cho thuê, do bên thuê vi phạm hợp đồng
- Vi bằng dùng làm chứng cứ trong xét xử:  các loại vi bằng như:  xác nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra; Xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện, ghi nhận hiện trạng công trình, chứng minh thiệt hại, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng giả; chứng minh nghĩa vụ thông báo trước; việc hoàn thiện hình thức của hợp đồng…
Theo đánh giá của TAND Thành phố Hồ Chí Minh thì việc lập vi bằng của Thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng trong việc Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật. Thừa phát lại vừa giúp người dân có cơ hội bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa giúp Tòa án giải quyết vụ án đúng pháp luật. Những vi bằng do Thừa phát lại lập, về đa số là đảm bảo tính pháp lý, mang giá trị chứng minh cao, kịp thời bảo quản, lưu giữ những chứng cứ quan trọng mà nếu không có việc lập vi bằng của Thừa phát lại thì việc thu thập chứng cứ của Tòa án sẽ gặp rất nhiều khó khăn do có những chứng cứ không còn tồn tại theo thời gian[1].
Tuy nhiên, để giá trị của vi bằng được khẳng định một cách đầy đủ và rõ ràng trong hoạt động xét xử, cần sớm quy định vi bằng có giá trị chứng cứ không cần phải chứng minh trong các bộ Luật Tố Tụng dân sự, tố tụng hình sự…
Ngoài ra, ở góc nhìn rộng hơn, đánh giá về ý nghĩa của vi bằng đối với xã hội nói chung hay hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng không chỉ dựa trên những vi bằng đã được Tòa án sử dụng, mà phần lớn là dựa vào những vi bằng chưa được nộp cho Tòa án để xét xử, thông qua sự kiện lập vi bằng, các bên đã tự thương lượng, hòa giải các tranh chấp vơi nhau mà không yêu cầu Tòa án phải xét xử. Và một phần quan trong trong số đó, có rất nhiều vụ án đang được xét xử tại Tòa án, vi bằng của Thừa phát lại đã tạo niềm tin cho các bên tự hòa giải, sau đó đương sự rút đơn khởi kiện tại Tòa, qua đó làm giảm tải hoạt động của Tòa án.
-       Vi bằng là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật
Pháp luật quy định một số công việc phải được thực hiện theo trình tự. Ví dụ muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì trước đó phải có phải thông báo chấm dứt hợp đồng ủy quyền, để thực hiện việc gửi thông báo, nên yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng chứng minh mình đã gửi Thư thông báo chấm dứt hợp đồng ủy quyền.
Hoặc trong nhiều trường hợp khác, các bên đương sự tự thỏa thuận các điều kiện để thực hiện giao dịch, vi bằng của Thừa phát lại chính là căn cứ chứng minh việc hoàn thành công việc , để thực hiện các bước tiếp theo của hợp đồng, giao dịch.
Ví dụ như: giao nhận tiền cọc, thanh toán hợp đồng ghi nhận hiện trạng tài sản nhà trước khi bàn giao, khi thanh lý hợp đồng...
Thừa phát lại Thủ Đức lập vi bằng giao thư thông báo

4. Vi bằng Thừa phát lại và văn bản công chứng của Công chứng viên

Khi đánh giá về ý nghĩa và giá trị của vi bằng, không thể không bàn đến sự phân biệt Vi bằng Thừa Phát Lại và Văn bản công chứng của công chứng viên, vì nếu không làm rõ sự khác nhau từ bản chất của vi bằng và văn bản công chứng sẽ dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, làm sai lệch giá trị của vi bằng; hoặc ở thái cực kia, là những điều chỉnh quá mức cần thiết, làm giảm giá trị, phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng, ảnh hưởng đến quyền lợi ích chính đáng của người dân trong việc tạo lập chứng cứ.
Thực tế thời gian qua có những trường hợp vi bằng bị nhẫm lẫn với văn bản công chứng, phổ biến trong lĩnh vực mua bán nhà đất. Tuy nhiên, Việc lập vi bằng của Thừa phát lại khác hoàn toàn với việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch của công chứng viên. Công việc của công chứng viên là xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch, văn bản công chứng có giá trị thi hành đối với các bên liên quan; còn công việc của Thừa phát lại là mô tả lại những gì Thừa phát lại chứng kiến, tức là xác nhận một sự việc có thật, và vi bằng của Thừa phát lại đảm bảo một nội dung duy nhất: tính khách quan của sự việc mà Thừa phát lại chứng kiến. 

So sánh nhanh Vi bằng và văn bản công chứng

Thực tế, trong một số ít trường hợp, khi Thừa phát lại khi lập vi bằng đã không giải thích kỹ càng với người dân vi bằng được lập chỉ là chứng cứ chứng minh các bên có giao nhận tiền, nhà đất… mà không thể thay thế văn bản bắt buộc phải công chứng, dẫn đến trường hợp người dân hiểu nhầm vi bằng của Thừa phát lại thay thế văn bản công chứng của công chứng viên, từ đó thực hiện các giao dịch không đảm bảo an toàn pháp lý, và có thể phải gánh chịu thiệt hại. Đây là nhầm lẫn rất đáng tiếc mà Thừa phát lại phải rút kinh nghiệm khi lập vi bằng cho người dân. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng nên giới hạn phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại để tránh nhầm lẫn, cũng như chồng chéo với thẩm quyền công chứng chứng thực.
Đánh gía về giá trị của vi bằng trong mối quan hệ với văn bản công chứng, Công chứng viên cũng có nhận định “Thoạt nhìn, hoạt động của Thừa phát lại có những nét giống với hoạt động của công chứng viên, nhất là hành vi công chứng và hành vi lập vi bằng. Tuy nhiên hoạt động của hai chức danh này không hề chồng chéo nhau… Mục đích của hoạt động công chứng và thừa phát lại đều nhằm hỗ trợ ngăn chặn cũng như giải quyết các tranh chấp, giúp tổ chức và cá nhân bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất”[2]

Đồng thời, do phạm vi thẩm quyền khác nhau, Công chứng viên chỉ chứng nhận hợp đồng, giao dịch bằng văn bản, trong khi đó, Thừa Phát Lại có thẩm quyền lập vi bằng về mọi sự kiện, hành vi không bị pháp luật cấm, vì vậy, Vi bằng của Thừa Phát lại đã bổ khuyết, cùng với văn bản công chứng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân. Ví dụ như: Trong lĩnh vực mua bán nhà đất, Công chứng viên chỉ chứng nhận hợp đồng, giao dịch, còn các công đoạn khác như: giao nhận cọc, giao nhận tiền, bàn giao nhà, ghi nhận hiện trạng nhà… thì công chứng viên không tham gia. Vi bằng của Thừa phát lại đã bổ khuyết vào chổ trống nói trên, góp phần tạo ra niềm tin, giúp các bên giao dịch an toàn, thuận lợi.

Ảnh: Thừa Phát Lại Thủ Đức lập vi bằng ghi nhận giao nhận tiền



 Như vậy, vấn đề hạn chế sự nhầm lẫn về giá trị của vi bằng và văn bản công chứng cần được giải quyết ở chổ cần tuyên truyền, cần có quy định về trách nhiệm giải thích pháp luật của Thừa phát lại để người dân hiểu được đâu là giá trị của vi bằng, đâu là giá trị của văn bản công chứng chứ không cần phải đặt ra một “giới hạn” cụ thể, bởi vì về bản chất, vi bằng không bao giờ có thể thay thế được văn bản công chứng. Nếu để cho người dân nhầm lẫn giá trị của vi bằng với văn bản công chứng thì đó chính là lỗi của Thừa phát lại.
Vì vậy, Chúng tôi đồng tình việc quy định thủ tục chặt chẽ quy trình lập vi bằng, quy định trách nhiệm giải thích giá trị vi bằng của Thừa Phát Lại, đồng thời nêu rõ ý nghĩa “không thay thế văn bản công chứng, chứng thực” trong vi bằng để người dân không nhầm lẫn. Tuy nhiên, Chúng tôi không đồng tình với việc hạn chế phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng, chỉ vì e ngại người dân nhầm lẫn giá trị vi bằng. Bản chất vi bằng và văn bản công chứng hoàn toàn khác nhau, giải quyết vấn đề này phải từng bước tác động đến nhận thức, thói quen của xã hội, chứ không phải bằng biện pháp hạn chế giá trị của vi bằng.


[1]. Xem Tham luận của TAND TP.HCM : “Giá trị pháp lý của vi bằng dưới góc nhìn của cơ quan xét xử - hiệu quả, giá trị tích cực mà vi bằng mang lại trong quá trình xét xử của tòa án” , tọa đàm về Vi bằng, Sở Tư pháp TP.HCM ngày 24/7/2015, tr 10.
[2]Xem tham luận của Phòng Công chứng số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, “So sánh phạm vi lập văn bản công chứng với lập vi bằng - đánh giá, nhận xét về sự độc lập, giá trị của hai loại văn bản đối với các mối quan hệ pháp lý trong xã hội”, Tài liệu tọa đàm về Vi bằng, Sở Tư pháp TP.HCM ngày 24/7/2015, tr 26.

Mới hơn Cũ hơn