Dẫn nhập:
Sau
6 năm thí điểm, ngày 01/01/2016 Thừa phát lại đã chính thức hoạt động theo Nghị
Quyết 107 của Quốc Hội. Hiện nay, Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát
lại đang chuẩn bị được Chính phủ thông qua.
Nhằm
giúp mọi người tìm hiểu thêm về vi bằng của Thừa phát lại, Chuyên trang về Vi bằng
Thừa phát lại xin giới thiệu những nội dung cơ bản nhất về vi bằng để các bạn tham
khảo, với mong muốn mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều biết giá trị, ý nghĩa
của vi bằng trongquan hệ pháp lý và trong đời sống xã hội, và điều quan trọng là
biết khi nào cần đến Văn phòng Thừa phát lại để nhờ hỗ trợ, vì đây là công cụ mà
pháp luật dành cho bạn để tự tạo lập chứng cứ, bảo vệ mình trong tranh chấp và các
quan hệ pháp lý khác.
Chúng
tôi tạm thời chia Chuyên đề thành 3 phần:
- Phần III:
Vấn đề đăng ký vi bằng.
Rất
mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các bạn! Thân ái!
Phần III. Vấn đề đăng ký Vi bằng
Đăng
ký vi bằng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau từ khi thí điểm cho đến nay, có
thể liệt kê 4 phương án như sau: (1) Đăng ký vi bằng thủ tục; (2) Đăng ký vi bằng
mà Sở Tư pháp có quyền tư chối đăng ký, nhưng nộp 01 bản chính vi bằng; (3)
Đăng ký vi bằng mà Sở Tư pháp có quyền tư chối đăng ký, nhưng nộp 03 bản chính
vi bằng; (4) Không đăng ký vi bằng. Lựa chọn phương án bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý Nhà nước, tính
chủ động và tự chiu trách nhiệm của Thừa phát lại và lợi ích của người
dân là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ!
Khi
nghiên cứu để đóng góp Dự thảo, và qua 7 năm thực tiễn lập vi bằng, chúng tôi
thấy rằng việc lựa chọn phương án nào cũng phải trả lời các câu hỏi: (1) Mục
đích của việc đăng ký vi bằng? Đăng ký vi bằng nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý
nhà nước hay đảm bảo giá trị của vi bằng? (2)Trách nhiệm của VPTPL và Sở Tư
pháp tương ứng với mỗi phương án đăng ký vi bằng? (3)Hình thức thực hiện việc đăng ký như thế
nào? (4) Ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án đăng ký nhìn từ góc độ quản lý nhà
nước, tính độc lập của TPL và lợi ích của người dân? (5) Sự công khai đăng ký
vi bằng như thế nào? Vì vậy, Chúng tôi đã tạo một bảng liệt kê các phương án
đăng ký vi bằng trong Phụ lục đính kèm với những tiêu chí như trên.
Bên cạnh
đó, Chúng tôi có ý kiến như sau:
Thứ nhất,
Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền
để lập vi bằng. Thừa phát lại chịu trách nhiệm về vi bằng mình lập, cần được
tôn trọng chức năng và trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại trong việc lập
vi bằng.
Thứ hai,
Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị “Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án
xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải
quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; là căn cứ để thực hiện
giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”,
trường hợp có tranh chấp về vi bằng thì “các
bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, về bản chất, việc
lập vi bằng chính là tạo lập chứng cứ. Chỉ có Tòa án mới có quyền ra phán quyết
về vi bằng của Thừa phát lại. Ngoài ra, vi bằng còn là căn cứ để thực hiện các
công việc khác, không nên áp dụng các phương án đăng ký vi bằng làm giảm tính
chủ động trong chuyên môn nghiệp vụ của Thừa phát lại, làm giảm giá trị sử dụng
của vi bằng và làm chậm trễ việc sử dụng vi bằng của người dân.
Ví
dụ: Cá nhân tôi từng lập vi bằng suốt đêm trên 01 chiếc tàu nước ngoài, neo đậu
tại biển Cần giờ, TP. Hồ Chí Minh. Mục đích lập vi bằng là nhằm xác định trên
tàu không có hàng hóa được bốc dỡ lên tàu tại 1 cảng nước ngoài, để trình vi bằng
cho Ngân hàng ngăn chặn việc chuyển 1.5 triệu USD cho bên Bán theo hợp đồng đã
ký (điều kiện chuyển tiền là khi Tàu về đến biển Cần Giờ). Vì bằng phải được thực
hiện và hoàn thành ngay trong đêm, để đầu giờ làm việc phải trình ngay cho Ngân
hàng. Nếu áp dụng phương thức đăng ký như Dự thảo, phải đợi đến 5 ngày mới có
thể sử dụng được vi bằng, thì không thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người
dân.
Thứ ba,
việc đăng ký vi bằng cũng không thể bỏ qua vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt
động lập vi bằng, vốn còn mới mẻ đối với cả Nhà nước lẫn người dân. Nhưng vai
trò quản lý của Nhà nước cần được thực hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm
tra chứ không phải làm thay hay “gác cửa” cho Thừa phát lại, không phải kiểm
tra phạm vi, hình thức của vi bằng, mà có lúc, có nơi còn kiểm soát cả nội dung
của vi bằng.
Vì vậy, Chúng tôi kiến nghị hình thức đăng ký vi
bằng như theo quy định tại Nghị định 61, tức là đăng ký vi bằng về mặt thủ tục.
Vi bằng sau khi được lập thì VPTPL có trách nhiệm đăng ký 1 bản chính tại Sở Tư
pháp đễ lưu trữ, và Sở Tư pháp không có quyền từ chối đăng ký vi bằng. Đồng thời,
cần bổ sung trách nhiệm công khai thông tin đăng ký vi bằng trên cổng thông tin
đăng ký vi bằng của Sở Tư và trang thông tin điện tử của VPTPL. Mặc khác, đề xuất
bổ sung hình thức xử phạt thật nặng đối với hành vi lập vi bằng mà không đăng
ký của VPTPL.