Vi bằng Thừa phát lại - Tòa án nhân dân tối cao đang tổ chức lấy ý kiến về Pháp lệnh chi phí tố tụng để thay thế Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012. Pháp lệnh 02 được ban hành để cụ thể hóa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 nên một số quy định của Pháp lệnh này chưa đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật tại thời điểm hiện tại. Do đó, việc ban hành một Pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh 02 là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Pháp lệnh mới được dự thảo trong bối cảnh
chế định Thừa phát lại đã được áp dụng chính thức và đang thực hiện chức năng tống
đạt liên quan đến hoạt động tố tụng của tòa án. Nhân sự kiện này, chúng tôi có
ý kiến đóng góp liên quan đến chi phí tống đạt các văn bản tố tụng qua Thừa
phát lại.
Chế định Thừa phát lại ra đời năm 2009, áp
dụng chính thức từ năm 2016 dựa trên chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư
pháp, xã hội hoá hoạt động thi hành án của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số
48-NQ/TW ngày 24/05/2005 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005.
Một trong những chức năng của Thừa phát lại
là tống đạt văn bản cho Tòa án. Trước khi có Thừa phát lại thì phần việc tống đạt
do thẩm phán và thư ký phụ trách. Đây là một công việc chủ yếu mang tính thủ tục
và mất khá nhiều thời gian.
Một Thư ký Thừa phát lại đang niêm yết văn bản tống đạt |
Để giải quyết xong một vụ án dân sự, trong
trường hợp bị đơn cố tình vắng mặt, Tòa án phải tiến hành ít nhất 08 lần thực
hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như: Tống đạt thông báo thụ
lý vụ án (ít nhất hai lần, trong đó một lần phải đi niêm yết ở nơi cư trú, niêm
yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và niêm yết tại trụ sở
Tòa án); tống đạt thông báo hòa giải (ít nhất hai lần, trong đó một lần phải đi
niêm yết ở nơi cư trú, niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị
trấn và niêm yết tại trụ sở Tòa án); tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử
(ít nhất hai lần, trong đó một lần phải đi niêm yết ở nơi cư trú, niêm yết tại
trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và niêm yết tại trụ sở Tòa án);
tống đạt quyết định hoãn phiên tòa (ít nhất hai lần, trong đó một lần phải đi
niêm yết ở nơi cư trú, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn và niêm yết tại trụ sở Tòa án); tống đạt bản án (ít nhất hai lần, trong
đó một lần phải đi niêm yết ở nơi cư trú, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn và niêm yết tại trụ sở Tòa án)[1].
Có Thừa phát lại đi tống đạt thay, thư ký,
thẩm phán được giải phóng khỏi công việc này sẽ có nhiều thời gian để tập trung
vào chuyên môn tại trụ sở, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xét xử. Hoạt động tống
đạt của Thừa phát lại mà bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngay đến hiệu quả
xét xử.
Theo số liệu từ Bộ Tư pháp thì từ ngày
01/10/2019 đến ngày 30/9/2020, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được
766.169 văn bản của Tòa án[2];
từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022 thì tống đạt được 952.277 văn bản Tòa án[3].
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định chi phí
Thừa phát lại tống đạt cho Tòa án là do Ngân sách nhà nước chịu. Tuy nhiên,
ngân sách phân bổ cho hoạt động tống đạt của Tòa án thường thấp hơn so với nhu
cầu tống đạt trên thực tế nên Tòa án chỉ giao văn bản cho Thừa phát lại “cầm chừng”.
Thừa phát lại thì không “mặn mà” đi tống đạt vì bị nợ phí kéo dài.
Nguyên nhân sâu xa cho bất cập ở trên là mặc
dù việc xã hội hóa hoạt động tống đạt đã được thực hiện nhưng với các quy định
hiện hành, Nhà nước vẫn phải cấp kinh phí tống đạt cho tư nhân. Đây là điều mà
nhiều đại biểu Quốc hội đã phân vân, thắc mắc khi thảo luận về tổng kết việc
triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số
36/2012/QH13[4].
Về lý luận, khi có việc tranh chấp, các bên
không hòa giải được với nhau mới nhờ đến Tòa án để giải quyết. Bên thua kiện phải
gánh chịu chi phí tố tụng như một chế tài do họ có lỗi dẫn đến tranh chấp tại
Tòa án, gây ra những phí tổn không cần thiết cho Nhà nước và các đương sự khác.
Về mặt quy định thì pháp luật tố tụng hiện
hành đang đi theo hướng tiếp cận như vậy. Ví dụ, đương sự phải chịu án phí nếu
yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận (Điều 147 Bộ luật dân sự năm 2015);
đương sự phải chịu chi phí định giá, xem xét thẩm định tại chỗ, giám định nếu
yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận (Điều 157, Điều 161, Điều 165 Bộ luật
dân sự năm 2015) ...
Hiện nay, về cơ bản, chi phí tố tụng được
phân ra làm 02 nhóm:
Nhóm án phí, lệ phí
Án phí là hậu quả pháp lý mà đương sự phải
chịu khi yêu cầu của mình không được Tòa án chấp nhận, gây ra những phí tổn
không cần thiết cho Nhà nước và các đương sự khác. Lệ phí Tòa án là khoản tiền
mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự.
Nhà nước không xem đây là khoản chi phí thực
tế giải quyết vụ việc để bắt đương sự phải chịu toàn bộ nên đã ban hành một biểu
phí chung. Án phí, lệ phí theo biểu phí này ở mức mọi người đều có thể nộp được,
không hạn chế việc tham gia tố tụng của họ. Ngoài ra, trong trường hợp hoàn cảnh
của đương sự có khó khăn thì tuỳ mức độ được toà án cho miễn nộp một phần hoặc
toàn bộ án phí, lệ phí.
Nhóm chi phí tố tụng khác
Các chi phí của nhóm này chủ yếu là chi phí
trả cho bên thứ ba (không phải là nhà nước) như chi phí định giá, giám định
dùng để trả cho đơn vị định giá, giám định; chi phí cho người làm chứng thì để
trả cho người làm chứng; chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài chủ yếu dùng trả
cho bên nhận ủy thác...
Những chi phí này cơ bản thực hiện theo
nguyên tắc ngang giá, theo biểu phí hoặc chi phí thực tế mà bên thứ ba thực hiện
các công việc này. Đây là nhóm chi phí mà Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo
Pháp lệnh chi phí tố tụng để thay thế Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày
28/3/2012.
Về bản chất thì chi phí tống đạt của Thừa
phát lại cũng là một loại chi phí trả cho bên thứ ba để phục vụ cho hoạt động tố
tụng tức thuộc Nhóm thứ hai. Tuy vậy, loại phí này chưa được quy định là một loại
phí độc lập trong pháp luật tố tụng (ngoại trừ phí tống đạt giấy tờ khi ủy thác
tư pháp ra nước ngoài) nên Nhà nước vẫn trích từ nguồn án phí, lệ phí thu được
để thanh toán.
Từ những phân tích trên, để giải quyết bất
cập về phí tống đạt thì cần thiết đưa phí tống đạt vào Pháp lệnh về chi phí tố
tụng theo hướng quy định đây là một loại chi phí tố tụng độc lập, quy định chủ
thể có nghĩa vụ đóng tạm ứng và chịu chi phí tống đạt hoặc Ngân sách nhà nước tạm
ứng, bên thua kiện phải trả phí này cùng với án phí.
Theo đó, nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết
việc dân sự phải chịu trách nhiệm đóng tạm ứng chi phí này hoặc Ngân sách nhà
nước tạm ứng; bên thua kiện, người yêu cầu giải quyết việc dân sự có nghĩa vụ
chịu chi phí tống đạt tương tự nguyên tắc chủ thể chịu án phí, lệ phí. Khi ban
hành bản án, quyết định thì Tòa án sẽ tuyên nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt do
đương sự nào chịu.
Nếu làm được như vậy, Ngân sách Nhà nước sẽ
không phải gánh chi phí tống đạt nữa; mục tiêu xã hội hóa công việc tống đạt mới
đạt được hiệu quả trọn vẹn.
[1]
Báo cáo số 43/BC-TANDTC ngày 26 tháng 2 năm 2015 của Tòa án nhân dân tối cao về
tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự.
[2]
https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=53042.
[3] Cục
Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp (2023), “Một số nội dung cơ bản về quy tắc đạo đức
nghề nghiệp Thừa phát lại và thông tin, trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc
trong việc triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP”, Tài liệu Tọa đàm
tháng 7/2023, tr.2.