Áp dụng Án lệ trong hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại

Hiện nay, ngành Tòa án của Việt Nam ngày càng chú trọng việc việc sử dụng Án lệ trong hoạt động xét xử. Tính đến ngày 08/12/2023, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 70 Án lệ. Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại nhằm xác lập nguồn chứng cứ trong xét xử nên việc nghiên cứu Án lệ để giúp hoàn thiện kỹ năng, phương pháp lập vi bằng là hết sức cần thiết. Blog xin giới thiệu bài viết "Áp dụng Án lệ trong hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại" do Thạc sĩ Cao Kim Trinh và Thạc sĩ Nguyễn Tiến Pháp đồng tác giả, được đăng trên Tạp chí Nghề luật số 05 năm 2022 để đọc giả tham khảo.

ThS Cao Kim Trinh

ThS. Nguyễn Tiến Pháp

TÓM TẮT - Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích khái quát một số vấn đề về án lệ, vi bằng của Thừa phát lại, vai trò của án lệ trong hoạt động lập vi bằng; trong đó tập trung phân tích các tình tiết cần chứng minh trong các án lệ và đặt ra một số vấn đề pháp lý trao đổi về việc áp dụng án lệ trong hoạt động lập vi bằng.

Từ khóa: Án lệ, vi bằng, chứng cứ, nguồn chứng cứ, Án lệ 02/2016/AL

1. Khái quát về án lệ

Xây dựng, tập hợp, phát triển và áp dụng án lệ là một trong những nội dung thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” đã đặt ra yêu cầu “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ…”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” tiếp tục làm rõ hơn yêu cầu nói trên với chủ trương giao cho “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ”.

Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Đến ngày 06/4/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 220/QĐ-CA công bố 06 án lệ đầu tiên, đánh dấu sự ra đời và phát triển của hệ thống án lệ Việt Nam.

Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố được 43 án lệ, trong đó có 07 án lệ về hình sự, 23 án lệ về dân sự, 08 án lệ về kinh doanh, thương mại, 01 án lệ về lao động, 02 án lệ về tố tụng dân sự, 02 án lệ về tố tụng hành chính.

Theo số liệu thống kê đến ngày 12/4/2021, đã có 1.021 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ[1].

Ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.

Tại Điều 1 của Nghi quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18 tháng 6 năm 2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ do Tòa án nhân dân Tối cao ban hành quy định “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Như vậy, án lệ tại Việt Nam được hiểu là các lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Để được lựa chọn làm án lệ, các bản án, quyết định này phải đáp ứng các tiêu chí:

(1). Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;

(2). Có tính chuẩn mực;

(3). Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Vì vậy, Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP cũng xác định rõ về việc Áp dụng án lệ trong xét xử:Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

2. Thừa phát lại, vi bằng và giá trị của vi bằng

Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật[2]. Chế định Thừa phát lại được thí điểm tại TP.HCM từ 2010, và được Quốc hội cho phép chính thức hoạt động trên cả nước từ 01/1/2016[3].

Vi bằng được Thừa phát lại lập với mục đích là tạo lập chứng cứ để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà Thừa phát lại chứng kiến, trong đó, Thừa phát lại mô tả lại những gì mình thấy được, nghe được … hoặc thông qua các dụng cụ chuyên dụng để ghi lại những kết quả nhất định vào vi bằng, kèm theo có thể là hình ảnh, quay phim, ghi âm, đo đạc... để làm rõ thêm sự kiện, diễn biến lập vi bằng. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những nội dung đã được ghi nhận trong vi bằng, do đó, vi bằng của Thừa phát lại phải đảm bảo tính khách quan của sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận.

Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định 08) thì: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này. Ngoài ra, khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08 quy định về giá trị của vi bằng: "Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy

Điều này phù hợp với quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015). Khoản 8 Điều 94 BLTTDS 2015 cũng quy định Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập là nguồn của chứng cứ.

Khoản 9 Điều 95 BLTTDS 2015 cũng ghi nhận Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

Như vậy, khi vi bằng được lập theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định, thì những thông tin được vi bằng ghi nhận có thể được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.


3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu án lệ đối với hoạt động lập vi bằng

Án lệ ngoài ý nghĩa là các lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử, trong mỗi án lệ đều có nêu nội dung vụ án, quá trình xét xử ở Tòa án các cấp, giải pháp pháp lý để giải quyết vụ án. Trong đó có nêu các tình tiết, các chứng cứ đã được Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận để giải quyết vụ án. Đây chính là thông


tin mà Thừa phát lại cần nghiên cứu để xây dựng giải pháp, phương thức lập vi bằng nhằm chứng minh những tình tiết đó, để áp dụng trong những vấn đề pháp lý tương tự.

Vì vậy, việc nghiên cứu án lệ trong hoạt động lập vi bằng có những ý nghĩa sau:

- Thứ nhất: Án lệ nêu nhưng lập luận, những tình tiết cần phải chứng minh để đưa ra phán quyết. Vi bằng có giá trị nguồn chứng cứ, dùng trong xét xử, vì vậy, việc lập vi bằng phải bám sát yêu cầu chứng minh thể hiện trong các án lệ, từ đó, khi gặp những vấn đề pháp lý tương tự, Thừa phát lại cần lập vi bằng đảm bảo các nội dung cần chứng minh theo trình tự, thủ tục luật định để Tòa án chấp nhận, dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.

- Thứ hai, Thừa phát lại mới thí điểm trở lại từ 2010, bắt đầu đào tạo chính thức tại học viện tư pháp từ 2016. Giáo trình kỹ năng hành nghề Thừa phát lại mới được phát hành năm lần đầu năm 2021. Vì vậy, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại về việc lập vi bằng còn chưa hoàn thiện… Việc nghiên cứu án lệ là một nguồn thông tin quý giá, tạo điều kiện để xây dựng tình huống, phương pháp lập vi bằng trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng Thừa phát lại về nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội.

- Thứ 3, Thừa phát lại là một chế định mới, quy định của pháp luật về vi bằng chưa hoàn thiện và đầy đủ. Việc nghiên cứu án lệ bổ khuyết những điểm còn hạn chế mà pháp luật về vi bằng chưa dự liệu đến, góp phần định hướng hoạt động xây dựng pháp luật về vi bằng. Vi bằng cần được xem xét và điều chỉnh dưới góc độ là văn bản có giá trị chứng cứ, không phân biệt lĩnh vực lập vi bằng.

- Thứ tư, qua việc nghiên cứu án lệ và những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Thừa phát lại đề xuất bổ sung những án lệ liên quan đến việc sử dụng chứng cứ, sử dụng vi bằng của Thừa phát lại mà pháp luật còn chưa đề cập đến, hoặc chưa áp dụng thống nhất: Ví dụ như về giá trị của vi bằng; hủy vi bằng; điều kiện hợp lệ của vi bằng giao thông báo;  việc lập vi bằng nhằm đòi lại tên miền trên internet…

4.  Một số vấn đề gợi mở về việc lập vi bằng tạo lập chứng cứ qua Án lệ 02/2016/AL và một số án lệ có tình tiết tương tự

4.1. Nội dung án lệ Án lệ 02/2016/AL

Án lệ 02/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân ti cao Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT  ngày 08-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng.

Nội dung án lệ: “Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng  đất (tương đương Khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia).”

Khái quát nội dung của án lệ:

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.

4.2. Tình tiết cần chứng minh trong Án lệ 02/2016/AL và vi bằng có thể áp dụng

Qua Án lệ 02/2016/AL, có các tình tiết được sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án là:

a.   Có chứng cứ chứng minh Bà Thảnh (bên nhờ đứng tên giùm) đã giao tiền cho bên bán để thực hiện việc mua bán.

b.   Có chứng cứ chứng minh việc đứng tên giùm giữa bà Thảnh và ông Tám (bên nhận đứng têm dùm).

c.    Có chứng cứ chứng minh ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất.

Chứng cứ được chấp nhận trong Bản án là thông tin từ lời khai, lời trình bày của những người làm chứng; thực tế quá trình sử dụng đất của ông Tám – là người đứng tên giùm.

Các hoạt động tạo lập chứng cứ; thu thập chứng cứ, giao nộp chứng cứ, và thông báo cho các bên liên quan… để chứng minh các tình tiết trên có rất nhiều phương thức, thực hiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến phương thức tạo lập, thu thập, giao nộp và thông báo giao nộp chứng cứ qua hình thức lập vi bằng của Thừa phát lại. Đây không phải là phương thức duy nhất, mà là gợi mở thêm một phương hướng mới, một kênh mới để các bên tùy điều kiện, hoàn cảnh mà lựa chọn phương thức xác lập chứng cứ để phòng ngừa tranh chấp, hoặc dùng trong tố tụng để giải quyết vụ án khi có tranh chấp xảy ra.

Khái quát từ Án lệ 02/2016/AL, trong trường hợp gặp những vấn đề pháp lý tương tự, các bên có thể chứng minh việc đứng tên giùm qua tình tiết (a) và (b) nói trên. Thừa phát lại khi gặp tình huống tương tự có thể lập vi bằng nhằm giải quyết tranh chấp, hoặc phòng ngừa tranh chấp như sau:

(1) Vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền: Vi bằng này nhằm chứng minh việc bên nhờ đứng tên giùm trực tiếp giao tiền cho bên bán tại thời điểm mua bán. Trong Vi bằng này, Thừa phát lại ghi nhận sự kiện các bên giao nhận tiền, trong đó xác định thời gian, địa điểm, chủ thể tham gia giao nhận tiền, và số tiền giao nhận. Kèm theo vi bằng là hình ảnh ghi nhận việc giao tiền và có thể đính kèm một số văn bản khác của các bên nhằm làm rõ hơn sự kiện giao nhận tiền.

Sử dụng vi bằng trong những tình huống pháp lý khác:

Ngoài tình huống pháp lý liên quan đến án lệ trên, vi bằng ghi nhận việc giao tiền, tài sản nhằm tạo lập chứng cứ chứng minh có thực hiện hợp đồng, giao dịch; thực hiện nghĩa vụ; bồi thường thiệt hại…

(2) Vi bằng ghi nhận buổi làm việc: vi bằng này nhằm chứng minh nhiều nội dung khác nhau, tùy vào yêu cầu chứng minh cụ thể:

+ Một là, vi bằng ghi nhận buổi làm việc giữa bên đứng tên giùm và bên nhờ đứng tên giùm, nhằm chứng minh có sự kiện hai bên trực tiếp thỏa thuận việc đứng tên giùm, hoặc xác nhận lại việc đứng tên giùm.

+ Hai là, vi bằng ghi nhận buổi làm việc với các bên có biết về việc đứng tên giùm, thanh toán tiền... để ghi nhận lại lời trình bày của những người làm chứng.

Hai vi bằng nói trên, dù có thể được lập với ý nghĩa khác nhau, nhưng đều gọi chung là vi bằng ghi nhận buổi làm việc nhằm ghi nhận lại sự kiện, hành vi, thời gian, địa điểm và diễn biến của quá trình làm việc giữa các bên. Trong Vi bằng này, Thừa phát lại ghi nhận sự kiện các bên họp, làm việc, trao đổi về những vấn đề mà họ biết liên quan đến việc đứng tên giùm, thanh toán tiền… Vi bằng xác định thời gian, địa điểm, chủ thể tham gia buổi làm việc, ghi nhận nguyên văn lời nói, trình bày của các bên trong buổi làm việc. Kèm theo vi bằng có thể là hình ảnh, đĩa ghi âm, ghi hình… và có thể đính kèm một số văn bản khác của các bên như biên bản làm việc, tờ khai… do các bên tự xác lập. Lưu ý là vi bằng của Thừa phát lại không phải là việc chứng thực chữ ký của các bên tham gia, mà là ghi nhận lại sự kiện buổi làm việc của các bên. Các bên tự trao đổi, trình bày và chịu trách nhiệm về những gì minh trình bày cũng như văn bản cung cấp cho Thừa phát lại để đính kèm vi bằng.

Sử dụng vi bằng trong những tình huống pháp lý khác:

Ngoài tình huống pháp lý liên quan đến án lệ trên, vi bằng ghi nhận buổi làm việc nhằm tạo lập chứng cứ chứng minh có tổ chức buổi làm việc; họp hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên, hội đồng kỷ luật, họp gia đình, hội nghị nhà chung cư… và nội dung buổi làm việc.

(3) Vi bằng ghi nhận việc trích xuất dữ liệu từ thiết bị điện tử như các tệp tin ghi âm, ghi hình, tin nhắn… nhằm chứng minh có việc đứng tên giùm.

Trong trường hợp giữa các bên có thỏa thuận đứng tên giùm mà việc thỏa thuận đó, hoặc việc xác nhận lại nội dung đó được ghi âm, ghi hình, hoặc có trao đổi qua lại bằng tin nhắn… Thừa phát lại có thể lập vi bằng ghi nhận việc trích xuất dữ liệu điện tử từ các thiết bị chứa các tệp tin nói trên.

“Vi bằng ghi nhận nội dung trên các thiết bị điện tử là vi bằng của TPL ghi nhận lại sự kiện, hành vi liên quan đến quá trình thao tác trên máy tính hoặc các thiết bị điện tử, viễn thông khác nhằm thu thập những nội dung là dữ liệu điện tử, thông điệp dữ liệu đang tồn tại trên máy tính hoặc các thiết bị điện tử, viễn thông đó với mục đích thu thập chứng cứ để người yêu cầu lập vi bằng tùy nghi sử dụng trong khuôn khổ pháp luật”[4].

Việc lập vi bằng của Thừa phát lại trên các thiết bị điện tử là hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng đối với dữ liệu điện tử hoặc tài liệu nghe được, nhìn được theo khoản 2, khoản 3 Điều 95 BLTTDS 2015[5].

Sử dụng vi bằng trong những tình huống pháp lý khác:

Ngoài tình huống pháp lý liên quan đến án lệ trên, vi bằng ghi nhận việc trích xuất dữ liệu từ thiết bị điện tử nhằm tạo lập chứng cứ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ dữ liệu điện tử; sao chép dữ liệu điện tử để cung cấp cơ quan có thẩm quyền; trích xuất dữ liệu như tin nhắn, hình ảnh, video, tập tin… trên các thiết bị điện tử; chuyển hóa dữ liệu điện tử thành văn bản đọc được…

(4). Vi bằng ghi nhận việc giao thông báo, văn bản, thư xác nhận… về việc đứng tên giùm: Trong trường hợp bên đứng tên giùm, hoặc những người làm chứng có biết về việc đứng tên giùm, nhưng không có điều kiện trực tiếp làm việc, ra Tòa làm chứng… mà lựa chọn hình thức gửi cho bên nhờ đứng tên giùm thư xác nhận, trình bày những gì họ biết trong văn bản. Thừa phát lại có thể lập vi bằng ghi nhận sự kiện giao văn bản, giấy tờ giữa các bên làm chứng cứ.

Sử dụng vi bằng trong những tình huống pháp lý khác:

Ngoài tình huống pháp lý liên quan đến án lệ trên, Vi bằng ghi nhận việc giao thông báo, văn bản, thư xác nhận… nhằm tạo lập chứng cứ chứng minh sự kiện một bên đã thực hiện nghĩa vụ thông báo trong những trường hợp bắt buộc phải thông báo theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận, hoặc đốc thúc thực hiện nghĩa vụ, hoặc mang tính chất thông tin.

Ví dụ: thông báo đơn phương hủy bỏ hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, gia hạn hợp đồng…; thông báo đòi nợ; thông báo quyền ưu tiên mua; thư mời họp; đốc thúc thực hiện nghĩa vụ; thông báo về một hành vi pháp lý đơn phương; chuyển giao giấy tờ, tài liệu…

(5). Vi bằng ghi nhận thông tin trên internet:

Trong trường hợp giữa các bên có thỏa thuận đứng tên giùm mà việc thỏa thuận đó, hoặc việc xác nhận lại nội dung đó được trao đổi qua lại, xác nhận bằng “thư điện tử” hoặc các phương thức khác qua internet… có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận những nội dung đã trao đổi qua internet nếu nó còn tồn tại vào thời điểm yêu cầu.

Sử dụng vi bằng trong những tình huống pháp lý khác:

Ngoài tình huống pháp lý liên quan đến án lệ trên, vi bằng ghi nhận nội dung trên internet còn được sử dụng trong các tình huống: ghi nhận tổ chức, cá nhân bị nói xấu, bị đe dọa, vu khống, sử dụng trái phép hình ảnh, giả mạo… trên internet ghi nhận việc sử dụng tên miền trên internet: Sử dụng tên miền gây nhầm lẫn, cố tình tạo tên miền để mua bán trục lợi…; ghi nhận việc sử dụng giao diện, nội dung trang thông tin gây nhầm lẫn; ghi nhận việc kinh doanh, sử dụng tác phẩm âm nhạc, điện ảnh… trên internet; ghi nhận những trao đổi, giao dịch, thương lượng, nói xấu, đe dọa… qua Email, ứng dụng tin nhắn, nhóm chát…; Vi bằng ghi nhận quá trình mua hàng hóa, sản phẩm trên các trang thương mại điện tử.

(6). Vi bằng ghi nhận hiện trạng chứng minh tình trạng sử dụng đất, tài sản.

Trường hợp cần chứng minh quá trình quản lý, sử dụng, tôn tạo tài sản, phía người đang quản lý, sử dụng đất có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lại tình trạng hiện có của nhà đất, tài sản trên đất; đo đạt hiện trạng; kiểm kê tài sản trên đất… Trong vi bằng này, Thừa phát lại ghi nhận hiện trạng, quá trình kiểm kê… kèm theo vi bằng có thể là hình ảnh, đĩa DVD R+/_ chứa dữ liệu, hình ảnh, video quá trình lập vi bằng.

Sử dụng vi bằng trong những tình huống pháp lý khác:

Ngoài tình huống pháp lý liên quan đến án lệ trên, vi bằng ghi nhận hiện trạng  còn được sử dụng trong các tình huống: Vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản trước khi xây dựng, cho thuê, mượn, đền bù, bàn giao tài sản… hoặc khi nhận bàn giao tài sản; Vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản khi chuyển nhượng tài sản…; Vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản bị thay đổi (do sụt, lún, nghiêng, nứt, thấm…) do công trình xây dựng lân cận gây ra, khi tiếp nhận tài sản… làm cơ sở yêu cầu bồi thường; Vi bằng ghi nhận hiện trạng công trình xây dựng dở dang, chậm tiến độ thi công, bàn giao; việc thi công, thiết kế, lắp đặt trang thiết bị không đúng hợp đồng; Vi bằng ghi nhận việc chiếm giữ nhà, tài sản trái pháp luật; nhà đất bị lấn chiếm…; Vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; thu hồi nhà, đất theo quy định pháp luật; Vi bằng ghi nhận hiện trạng, tình trạng vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất của Doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Chính phủ (2020), “Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại”, Hà Nội.

[2].Chính phủ (2009), Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

[3].Chính phủ (2013), Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

[4].Đỗ Văn Đại – Nguyễn Ngọc Hồng Phượng, (2013), “Điều kiện từ chối đăng ký sử dụng tên miền”, tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam.

[5].Quốc hội, (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự, Hà Nội.

[6].Học viện tư pháp (2021), “Giáo trình kỹ năng hành nghề Thừa phát lại”, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

[7].Tòa án nhân dân tối cao (2021), “Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo công tác phát triển án lệ để sơ kết công tác phát triển án lệ giai đoạn 2016-2021”, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitiettin?dDocName=TAND169434

[].Tòa án nhân dân tối cao (2015), “Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 23/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng Án lệ”, Hà Nội.

[8].Tòa án nhân dân tối cao (2019), “Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18-6-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố, áp dụng án lệ”, Hà Nội.

[9].https://congbobanan.toaan.gov.vn

[10].http://www.thuaphatlaithuduc.vn/vn/vi-bang-thua-phat-lai-duoc-toa-an-su-dung-de-xet-xu.html

[11].https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=881a06d6-f64e-48dd-bd95-4cee89cef40a

Mới hơn Cũ hơn