Chia sẻ gánh nặng

Lúc mới bắt đầu, Thừa phát lại khó trăm bề, phải tuyên truyền, vận động để người dân, doanh nghiệp biết đến Thừa phát lại để mà sử dụng dịch vụ. Sau đây, Blog giới thiệu một bài viết được Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp viết tại thời điểm đó nhằm phân tích những lợi ích của việc Thừa phát lại tham gia xác minh điều kiện thi hành án dân sự để bạn đọc tham khảo:

Không như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án (XMĐKTHA) thuộc về bên yêu cầu thi hành án. Điều này một mặt giải tỏa trách nhiệm của các chấp hành viên trong việc XMĐKTHA, tạo điều kiện giảm bớt việc thi hành án còn tồn động ở các cơ quan thi hành án dân sự. nhưng mặt khác, quy định mới này cũng đặt một gánh nặng mới cho người được thi hành án (NĐTHA) trách nhiệm XMĐKTHA của người phải thi hành án (NPTHA), mà trong nhiều trường hợp, nghĩa vụ này gần như bất khả thi.

1. XMĐKTHA là gì?

Yêu cầu Tòa án xét xử là biện pháp cuối cùng trong việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, bản ản, quyết định của Tòa án chỉ mới đảm bảo quyền lợi của công dân, tổ chức trên giấy tờ. Để khôi phục được quyền lợi của mình, nếu NPTHA không tự nguyện thực hiện, NĐTHA chỉ còn cách yêu cầu cơ quan thi hành án hoặc Văn phòng thừa phát lại tổ chức thi hành án.

Để bản án, quyết định được thi hành, NPTHA phải có điều kiện thi hành án, tức là phải có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản. Việc không chứng minh được NPTHA có điều kiện thi hành án là một trong những căn cứ đầu tiên và quan trọng để cơ quan thi hành án đình chỉ thi hành án hoặc trả đơn yêu cầu. Sau khi Luật thi hành án dân sự 2008 ra đời, nhiều cơ quan thi hành án dân sự còn yêu cầu bên được thi hành án phải chứng minh điều kiện thi hành án của đương sự trong đơn yêu cầu thi hành án thì mới thụ lý. Thực tiễn hoạt động trong bốn tháng qua, các Văn phòng Thừa phát lại nhận không ít yêu cầu XMĐKTHA để nộp đơn thi hành án hoặc để tiếp tục được tổ chức thi hành án như:

Công ty TNHH N.P sau khi được Tòa án quận T ra quyết định công nhận sự thỏa thuận, buộc công ty TNHH N.H phải trả cho công ty N.P số tiền 600 triệu đồng. Sau khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, mặc dù đã có biên bản của Chính quyền địa phương về việc xác nhận công ty N.H vẫn đang hoạt động bình thường tại trụ sở đăng ký, nhưng sau đó, Chi cục thi hành án quận T đã ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án vì công ty N.P không cung cấp được điều kiện thi hành án của công ty N.H.

Tòa án quận H tuyên buộc ông T.H.B phải trả cho ông N.V.A số tiền 50 triệu đồng, nhưng khi ông A nộp đơn yêu cầu thi hành án lên Chi cục thi hành án quận H thì không được thụ lý vì ông A chưa chứng minh được điều kiện thi hành án của ông B trong đơn yêu cầu thi hành án.

Trong cả hai trường hợp nói trên, công ty N.P hay ông N.V.A sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc XMĐKTHA. Bên cạnh việc thiếu chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác xác minh, ngay cả trong trường hợp biết rằng bên phải thi hành án có tài sản là nhà, đất tại địa điểm X, hoặc có tài khoản tại ngân hàng Y thì cá nhân ông A khó có thể đề nghị chính quyền hoặc ngân hàng cung cấp thông tin về tài sản đó.

Thực tiễn nói trên được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu cũng như những người làm công tác thi hành án. Gần đây nhất, trong buổi Tọa đàm đánh giá những kết quả và vướng mắc, bất cập sau 01 năm thi hành Luật thi hành án dân sự ngày 17-18/6/2010 tại Vũng Tàu, nhiều tham luận của cơ quan thi hành án đã phân tích những bất cập của Điều 44 Luật thi hành án dân sự 2008, cho rằng Điều luật không chỉ gây ra khó khăn cho người dân mà còn làm khó cho cả cơ quan thi hành án trong việc chủ động tổ chức thi hành án. Không thể phủ nhận tính đúng đắn của những quan điểm nói trên, nhưng sau khi Nghị định 61/2009/Cp được ban hành, với sự ra đời của Thừa phát lại, những hạn chế nói trên đã được giải quyết. Do chế định Thừa phát lại còn trong giai đoạn thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh, người dân, doanh nghiệp ở các địa phương khác còn phải chờ thí điểm thành công mới có thể hưởng lợi từ chế định Thừa phát lại khi mô hình này được nhân rộng ra cả nước.

2. Ai có thẩm quyền XMĐKTHA?

Trước tiên, phải khẳng định rằng, người có thẩm quyền XMĐKTHA chính là NĐTHA. Luật quy định NĐTHA có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tiến hành xác minh, các tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin có trách nhiệm cung cấp thông tin cho NĐTHA, nếu cố tình cung cấp thông tin sai phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc XMĐKTHA của NĐTHA gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như đã phân tích ở trên.

Khi không thể tự mình XMĐKTHA, NĐTHA có quyền yêu cầu chấp hành viên XMĐKTHA. Tuy nhiên, chấp hành viên chỉ tiến hành XMĐKTHA khi có hai điều kiện: Thứ nhất, yêu cầu của NĐTHA; thứ hai, NĐTHA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTHA, Luật cũng quy định việc xác minh được coi là không có kết quả khi NĐTHA đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng. Quy định này đã “mở nút” cho NĐTHA có điều kiện bảo vệ  quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, quyền năng này chưa được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả vì: thứ nhất, do hạn chế về kiến thức pháp luật, người dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình được thi hành án; thứ hai, trong bối cảnh phải thụ lý quá nhiều việc, chấp hành viên không có đủ thời gian để tiến hành XMĐKTHA; thứ ba, pháp luật hiện nay chưa quy định về mức phí XMĐKTHA, việc triễn khai quy định này gặp nhiều khó khăn do cơ quan thi hành án không biết thu phí XMĐKTHA như thế nào? Thu bao nhiêu? Trích nộp ra sao… hơn nữa, đối với doanh nghiệp, việc cung cấp các hoá đơn, chứng từ trong hoạt động thi hành án cũng là một yêu cầu quan trọng.

Cuối cùng, khi không thể tự mình XMĐKTHA, cũng không thể yêu cầu chấp hành viên XMĐKTHA, hiện nay, NĐTHA đã có thêm một sự lựa chọn, đó là ủy quyền Thừa phát lại xác minh thay cho mình.

3. Thẩm quyền XMĐKTHA của Thừa phát lại và sự chia sẽ trách nhiệm

XMĐKTHA là một trong bốn chức năng của Thừa phát lại. Việc XMĐKTHA trong một việc thi hành án cụ thể phát sinh từ yêu cầu của NĐTHA thông qua một hợp đồng dịch vụ. Việc XMĐKTHA của Thừa phát lại có một số đặc điểm thuận lợi:

Thứ nhất: Thừa phát lại là chức danh tư pháp do Nhà nước bổ nhiệm, có thẩm quyền XMĐKTHA, được Nhà nước đảm bảo điều kiện hoạt động. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi thẩm quyền của mình có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Thừa phát lại, nếu từ chối mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Mặt khác, Thừa phát lại có kiến thức pháp luật và có kỹ năng, nghiệp vụ, do đó, việc xác minh mang lại kết quả nhanh chóng và chất lượng.

Thứ hai, Văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, hạch toán độc lập, hoạt động XMĐKTHA của Thừa phát lại mang tính chất dịch vụ. Văn phòng Thừa phát lại chỉ có thể duy trì hoạt động từ nguồn thu là phí dịch vụ của khách hàng, do đó luôn phải đảm bảo hoàn thành công việc của mình một cách kịp thời và hiệu quả.

Thứ ba, mức phí xác minh do hai bên tự thỏa thuận, thể hiện trong hợp đồng dịch vụ. Thực tiễn hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại cho thấy, hiện nay đang tồn tại hai phương thức thu phí: (1) thu phí theo việc xác minh cụ thể (ví dụ xác minh ngôi nhà tại địa chỉ X do ai đứng tên sở hữu, Văn phòng Thừa phát lại thu phí khi cung cấp kết quả xác minh, bất kể ai là người đứng tên sở hữu nhà); thu phí theo tỉ lệ thu hồi được tài sản từ hoạt động thi hành án (theo phương thức này, Văn phòng Thừa phát lại chỉ có thể thu được phí nếu việc tổ chức thi hành án có hiệu quả, tài sản thu hồi được).

Thứ tư, kết quả XMĐKTHA của Thừa phát lại là căn cứ để NĐTHA nộp đơn yêu cầu thi hành án hoặc cung cấp cho cơ quan thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức thi hành án. Nếu các cơ quan này từ chối sử dụng kết quả xác minh thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Thứ năm, về phạm vi xác minh, Thừa phát lại có quyền XMĐKTHA liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh, bất kể tài sản nằm trong hay ngoài phạm vi TP.Hồ Chí Minh.

Như vậy, sự ra đời của thừa phát lại, với những ưu điểm vốn có, đã tạo thêm một sự lựa chọn mới cho người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Không những thế, Thừa phát lại còn chia sẽ gánh nặng với các chấp hành viên trong việc XMĐKTHA – một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng tồn đọng việc thi hành án hiện nay, góp phần giảm tải và tăng chất lượng hoạt động thi hành án. Tuy nhiên, để kết quả xác minh điều kiện thi hành án đạt hiệu quả thiết thực, còn đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp cũng như chia sẽ trách nhiệm xác minh và sử dụng kết quả xác minh giữa Văn phòng Thừa phát lại (nơi cung cấp kết quả xác minh) và cơ quan thi hành án (nơi sử dụng kết quả xác minh), nhằm mục đích cuối cùng là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp - Văn phòng Thừa phát lại Bình Thạnh

Mới hơn Cũ hơn