Kỹ năng sinh viên cần trang bị để làm Thừa phát lại

Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Luật là một điều hết sức cần thiết để các bạn lựa chọn được nghề luật phù hợp sau khi tốt nghiệp. Do đặc thù của môi trường giảng dạy đại học nên các môn học chủ yếu cung cấp cho các bạn sinh viên kiến thức nền về pháp luật. Các môn học về nghề luật cụ thể như Thẩm phán, Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại... chỉ là những môn tự chọn. Với tính chất định hướng nghề luật thì bản thân những người đang trực tiếp hành nghề sẽ có phát biểu thực tế hơn để các bạn có thông tin tham khảo. Không nằm ngoài mục đích đó, tác giả Nguyễn Tiến Pháp và Nguyễn Thị Thanh Tuyền, hai tác giả đang trực tiếp hành nghề Thừa phát lại đã có bài viết "Các kỹ năng sinh viên cần trang bị để làm việc tại các văn phòng Thừa phát lại" chia sẻ nghề Thừa phát lại, những kỹ năng cần trang bị nếu muốn làm Thừa phát lại. Blog xin giới thiệu bài viết này để mọi người tham khảo:

TÓM TẮT - Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích khái quát một số vấn đề về Thừa phát lại, chương trình đào tạo luật liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại, một số gợi mở về kỹ năng cần có của sinh viên luật để làm việc tại các Văn phòng Thừa phát lại và một số đề xuất liên quan nhằm bồi dưỡng trình độ, kỹ năng của sinh viên luật để làm việc tại các Văn phòng Thừa phát lại trong tương lai.

Từ khóa: Thừa phát lại, vi bằng, tống đạt, thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, kỹ năng của sinh viên luật, chương trình đào tạo luật.

1. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

1.1 Sơ lược quá trình hình thành và phát triển của Thừa phát lại tại Việt Nam

Chức danh Thừa phát lại bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ thời kỳ Pháp thuộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hệ thống cơ quan tư pháp mới được thiết lập trong cả nước, chế địnhThừa phát lại tồn tại trước đó được duy trì và chịu sự quản lý của Ban Công lại thuộc Phòng Giám đốc hộ vụ của Bộ Tư pháp. Ngày 19/7/1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án. Điều 3 của Sắc lệnh này quy định: Trong các thị xã, khu phố, Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Tòa án, ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành mệnh lệnh.

Tại Miền Nam, mô hình Thừa phát lại đã tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và dưới chế độ chính quyền Sài Gòn đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975.

Thừa phát lại là Công lại làm việc theo triệu dụng của khách hàng khi có yêu cầu và theo đề nghị của Toà án trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định. Thừa phát lại không phải là công chức tư pháp, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoạt động không theo chế độ công vụ. Mục đích của Công lại là nhằm phục vụ công lý, phục vụ hoạt động tư pháp và nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong xã hội.

Ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó, giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương. Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau thời gian thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, với những thành công bước đầu, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 giao cho Chính phủ tiếp tục triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết 31/12/2015.

Ngày 26 tháng 11 năm 2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại. Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đồng thời, quyết định chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Đến nay, hiện cả nước có 408 Thừa phát lại đang hành nghề tại 145 văn phòng Thừa phát lại tại 45 Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW và đang tiếp tục phát triển trên phạm vi cả nước. Có thể thấy rằng đây là một Nghề luật mới, có nhiều tiềm năng phát triển, tính chất công việc hấp dẫn, đa dạng, linh hoạt và có mức thu nhập tương đối tốt, rất xứng đáng để các bạn sinh viên nghiên cứu, lựa chọn định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

1.2. Tiêu chuẩn Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại: Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật; Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bng tt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật; Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại; Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Tiêu chuẩn thư ký nghiệp vụ:  Thư ký nghiệp vụ giúp Thừa phát lại thực hiện nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên và không thuộc một trong các trường hợp bị cấm bổ nhiệm Thừa phát lại.

Như vậy, các bạn sinh viên có định hướng hành nghề Thừa phát lại trong tương lai trước tiên cần tốt nghiệp cử nhân luật, sau đó cần học một khóa đào tạo nghề Thừa phát lại tại Học viện tư pháp, trãi qua thời gian thực tập và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, thi đạt kỳ thi quốc gia do Bộ tư pháp tổ chức thì có thể được bổ nhiệm làm Thừa phát lại.

Ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, các bạn sinh viên có thể làm việc tại các văn phòng Thừa phát lại với tư cách là Thư ký nghiệp vụ. Đây là thời gian quý giá và quan trọng để các bạn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề Thừa phát lại.

Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp (giữa) trong một lần định hướng nghề nghiệp tại Trường Đại học Luật TP.HCM

1.3. Nhiệm vụ của Thừa phát lại

Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc:

1.3.1 Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu

Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo; tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự.

1.3.2 Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức

Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hay nói cách khác, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại rất rộng: Thừa phát lại được lập vi bằng trong toàn quốc, không giới hạn thời gian và được lập vi bằng đối với mọi sự kiện, hành vi, ngoại trừ các trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật.

Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

1.3.3 Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

1.3.4 Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự

Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:

- Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

- Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự.

2. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LUẬT (ĐẠI TRÀ) CÓ LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

Nhìn chung trong chương trình khung đào tạo luật hiện nay, ngoài môn tự chọn “các nghề bổ trợ tư pháp”, thì tác giả nhận thấy chương trình còn thiếu vắng các môn học liên quan đến định hướng nghề nghiệp: luật sư, công chứng, Thừa phát lại, đấu giá, quản tài viên… 

Liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại, ngoài khối kiến thức cơ sở và kiến thức ngành trong chương trình đào tạo đại trà mà Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ bắt buộc phải nắm vững (thường xuyên nhất đó là Luật dân sự, luật đất đai, luật thương mại, luật sở hữu trí tuệ, luật kinh doan bất động sản, luật doanh nghiệp…) thì có một số môn học có liên quan trực tiếp như sau:

- Các môn học về Luật tố tụng: Luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính: Khi nghiên cứu các môn học này, sinh viên cần nắm vững các quy định về chứng cứ, thủ tục tống đạt văn bản.

- Luật Thi hành án dân sự:  Đây là môn học quan trọng đối với Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ, có liên quan đến 3/4 nhiệm vụ của Thừa phát lại, gồm tổ chức thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án và tống đạt văn bản.

Hiện nay, một số cơ sở đào tạo luật đã bắt đầu đưa môn học “Pháp luật về Thừa phát lại” vào khối kiến thức bổ trợ để các bạn sinh viên lựa chọn. Đây là một hướng đi tốt, cung cấp thêm những thông tin và kỹ năng cơ bản cho sinh viên có những định hướng nghề nghiệp trước khi ra trường.

3. PHẨM CHẤT VÀ CÁC KỸ NĂNG CẦN THIẾT KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

3.1 Phẩm chất cần có của người hành nghề Thừa phát lại:

Là một Nghề Luật, Thừa phát lại là công lại được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền. Ngoài những phẩm chất cần có của người hành nghề Luật, những phẩm chất không thể thiếu của một Thừa phát lại là tính khách quan, trung thực và công bằng trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Một trong những nhiệm vụ của Thừa phát lại là lập vi bằng tạo lập chứng cứ, có trách nhiệm ghi nhận những sự kiện, hành vi một cách khách quan, trung thực, không thiên vị bất kỳ bên nào; không nhận định, bình luận, suy đoán… về sự kiện, hành vi mà mình ghi nhận, mà chỉ được mô tả một cách chân thật nhất thực tế khách quan mà mình chứng kiến.

Những nhiệm vụ khác của Thừa phát lại như tống đạt, tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án cũng đòi hỏi người hành nghề Thừa phát lại phải luôn đảm bảo tính khách quan, trung thực và công bằng trong khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, để trở thành một Thừa phát lại, có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, nhưng điều cơ bản nhất về phẩm chất, chúng ta cần tự đánh giá chính mình xem có đảm bảo tính khách quan, trung thực và công bằng không trước khi lựa chọn trở thành một Thừa phát lại trong tương lai.

Ngoài ra, do tính chất nghề nghiệp, tác giả nhận thấy người hành nghề Thừa phát lại thường có tính cách hướng ngoại do phải thường xuyên giao tiếp và di chuyển nhiều để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, người hành nghề Thừa phát lại cần có một tư duy rộng mở, sẵng sàng tiếp nhận những cái mới của cuộc sống, vì công việc của Thừa phát lại luôn gắn liền với mọi sự kiện pháp lí xảy ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

3.2 Những kỹ năng cần thiết để làm việc tại các Văn phòng Thừa phát lại

Nghề Thừa phát lại là một nghề Luật, vì vậy người hành nghề Thừa phát lại cũng cần có những kỹ năng chung của nghề Luật như: Kỹ năng nghiên cứu pháp luật, tư duy phân tích - tổng hợp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sắp xếp, quản lý thời gian và làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng công nghệ…

Trong phạm vi chuyên đề này, tác giả chỉ tập trung phân tích, giới thiệu một số kỹ năng đăc thù của Nghề Thừa phát lại.

3.2.1 Kỹ năng nghiệp vụ của Thừa phát lại

Nếu Thừa phát lại có 4 nhiệm vụ: lập vi bằng, tống đạt, tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, thì người hành nghề Thừa phát lại cũng cần có kỹ năng nghiệp vụ tương ứng với những nhiệm vụ đó. Đó là kỹ năng lập vi bằng, kỹ năng tống đạt, kỹ năng tổ chức thi hành án, kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án.

Để trở thành Thừa phát lại một trong những điều kiện tiên quyết đó là tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP. Học viện Tư pháp là đơn vị được giao đào tạo, bồi dưỡng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi tham gia học tập tại Học viện Tư pháp trong thời gian 06 tháng, học viên được trang bị kiến thức về nghề nghiệp Thừa phát lại bao gồm kỹ năng lập vi bằng, kỹ năng tống đạt, kỹ năng tổ chức thi hành án, kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án.

Ngoài việc hoàn thành khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại, người muốn hành nghề Thừa phát lại còn phải tập sự tại một văn phòng Thừa phát lại trong 06 tháng. Đây chính là thời gian pháp luật yêu cầu người muốn hành nghề Thừa phát lại thực hành các kỹ năng lập vi bằng, kỹ năng tống đạt, kỹ năng tổ chức thi hành án, kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án trước khi chính thức hành nghề.

Trên thực tế, khi các bạn sinh viên trong thời gian học tập tại Trường sẽ được tiếp cận các kỹ năng trên, nếu các bạn đăng ký kiến tập, thực tập tại các Văn phòng Thừa phát lại. Đây là môi trường đề làm quen và được bồi dưỡng kỹ năng tốt nhất cho các bạn có định hướng hành nghề Thừa phát lại trong tương lai.

Đối với các bạn sinh viên đang học tập tại trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, như đã phân tích ở mục 2.1 “Một số môn học có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Thừa phát lại”, các bạn sinh viên cũng sẽ được tiếp cận một số kỹ năng liên quan đến nghiệp vụ tống đạt (Luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, luật Thi hành án dân sự), nghiệp vụ tổ chức thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án (Luật Thi hành án dân sự). Đối với một số cơ sở đào tạo luật khác có môn học “Pháp luật về Thừa phát lại”, các bạn sinh viên có thể tiếp cận thêm kỹ năng lập vi bằng.

Các kỹ năng lập vi bằng, kỹ năng tống đạt, kỹ năng tổ chức thi hành án, kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án được xây dựng trên cơ sở pháp luật dân sự, pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về thi hành án. Các kỹ năng này sẽ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nếu sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, các bạn sinh viên tiếp tục theo học khóa “đào tạo nghiệp vụ Thừa phát lại” tại Học viện tư pháp như đã trình bày ở trên.

Như vậy, trong quá trình học tập tại Trường, nếu có định hướng hành nghề Thừa phát lại trong tương lai, các bạn sinh viên cần lưu ý các kỹ năng liên quan đến nghiệp vụ tại các môn học như Luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, luật Thi hành án dân sự; chủ động đăng ký kiến tập, thực tập tại các Văn phòng Thừa phát lại. Nếu thật sự phù hợp và yêu thích nghề Thừa phát lại, các bạn nên đăng ký “đào tạo nghiệp vụ Thừa phát lại” tại Học viện tư pháp đề được đào tạo và bổ nhiệm trong tương lai.

3.2.2 Kỹ năng đặc thù khác của nghề Thừa phát lại

Thừa phát lại là một nghề luật, ngoài những kỹ năng chung của một nghề luật cần có thì Thừa phát lại cần phải có những kỹ năng đặc thù. Nhưng điều đặc biệt là những kỹ năng này lại rất bình thường đối với mỗi con người, gần như ai cũng biết, có thể làm được, chỉ khác biệt ở chỗ nó cầng nâng cao về độ chính xác, khách quan và chuẩn mực trong cách dùng từ ngữ. Đó là những kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng viết văn mô tả; kỹ năng xác định vị trí; kỹ năng quay phim, chụp ảnh; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ

Kỹ năng viết văn miêu tả:

Kỹ năng viết, soạn thảo văn bản không phải là kỹ năng đặc thù của Thừa phát lại, nhưng lại có nhưng đặc điểm riêng biệt so với những nghề luật khác. Ngoài việc soạn thảo những văn bản pháp lý như hợp đồng, thỏa thuận, thư thông báo, các văn bản hành chính khác… thì Thừa phát lại cần có kỹ năng viết văn miêu tả chính xác, khách quan và dùng từ chuẩn mực.

Thừa phát lại thực hiện nhiều công việc khác nhau, mỗi văn bản liên quan cũng sẽ có cách thể hiện khác nhau tương ứng với chức năng cụ thể. Vì vậy, cần nắm được phạm vi công việc để trình bày nội dung. Nếu việc tống đạt, xác minh điều kiện thi hành và trực tiếp thì hành án đòi hỏi phải theo biểu mẫu quy định sẵn trong văn bản pháp luật thì vi bằng thể hiện quá trình diễn ra sự kiện, hành vi nên nội dung văn bản do người soạn thảo chủ động thực hiện, tuy nhiên phải mô tả lại quá trình Thừa phát lại chứng kiến đúng với thực tế khách quan mà không được nhận định, đánh giá.

Kỹ năng xác định vị trí:

Xuất phát từ tính chất công việc nên khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại phải thể hiện rõ thời gian và địa điểm. Đối với chức năng lập vi bằng, pháp luật cho phép Thừa phát lại ghi nhận sự kiện, hành vi ở mọi nơi trong phạm vi toàn quốc. Thừa phát lại lập vi bằng tại địa điểm không có số nhà, hoặc trong rừng, trên đường cao tốc, ngoài biển, ngoài đảo… Ở những nơi như thế, Thừa phát lại cần có kỹ năng xác định vị trí để có thể mô tả chính xác địa điểm xảy ra sự kiện hành vi đã ghi nhận.

Ngoài ra, đối với các Thư ký nghiệp vụ, việc xác định địa chỉ nhà, hoặc tìm nhà không có địa chỉ cụ thể… để đi tống đạt là kỹ năng đặc biệt quan trọng. Những thư ký nghiệp vụ có kỹ năng xác định vị trí, tìm địa chỉ nhà tốt sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, và chi phí để tống đạt so với các thư ký khác.

Kỹ năng quay phim, chụp ảnh:

Trong các chức năng của Thừa phát lại, hiện tại vi bằng và tống đạt là mảng công việc chủ yếu và mang lại thu nhập chính cho hoạt động của văn phòng. Để thực hiện nghiệp vụ của mình, Thừa phát lại cần rèn luyện kỹ năng quay phim, chụp ảnh và ứng dụng nó phục vụ cho công việc. Thừa phát lại lập vi bằng là ghi nhận lại các sự kiện, hành vi có thật trên thực tế dưới sự chứng kiến của mình, khi tác nghiệp Thừa phát lại có thể sử dụng các công cụ chuyên dụng để hỗ trợ cho công việc bởi Thừa phát lại trên cở sở giác quan của một người bình thường, không thể ghi nhớ chính xác trong trường hợp vụ việc kéo dài liên tục.

Kỹ năng quay phim, chụp ảnh ở đây không đơn giản chỉ là cầm máy lên và thực hiện mà cần xác định những sự kiện, hành vi pháp lý cần ghi nhận cũng như cách ứng xử trong quá trình quay phim, chụp ảnh.

Kỹ năng giao tiếp, tư vấn

Có thể nói, kỹ năng giao tiếp, tư vấn của Thừa phát lại gần giống như kỹ năng của Luật sư khi giao tiếp, tư vấn cho khách hàng, khi làm việc với cơ quan chức năng.

Khi một khách hàng đến với văn phòng Thừa phát lại, học sẽ nêu vấn đề pháp lí mà họ đang gặp phải, cần phải giải quyết. Thừa phát lại sẽ tư vấn cho khách hàng những giải pháp pháp lí, và có thể có sử dụng dịch vụ của văn phòng Thừa phát lại để giải quyết vấn đề đó, hoặc giới thiệu để khách hàng đến với đơn vị phù hợp.

Trong hoạt động tổ chức thi hành án dân sự, Thừa phát lại làm việc với các đương sự với tư cách là công lại do Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền, có địa vị pháp lý như là chấp hành viên, không còn đơn thuần là người làm dịch vụ pháp lí. Đối với các đương sự, họ có thể là bên yêu cầu thi hành án (là khách hàng của văn phòng), cũng có thể là những người buộc phải thi hành án. Vì vậy, Thừa phát lại phải có thái độ ứng xử phù hợp, chuẩn mực theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ thường xuyên phải làm việc với các cơ quan chức năng để phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, đối với những thư ký nghiệp vụ thực hiện hoạt động tống đạt, đối tượng giao tiếp rất phức tạp, bao gồm phía cá nhân, tổ chức phối hợp như: Ủy ban nhân dân xã, phường; cảnh sát khu vực, cán bộ khu phố, tổ dân phố, dân phòng…; và phía cá nhân, tổ chức được tống đạt văn bản. Đối với từng loại đối tượng khác nhau, cần phải có phương thức giao tiếp khác nhau, phải có kỹ năng thuyết phục, vận động. Thực tế có rất nhiều trường hợp, cùng một tình huống tương tự, nhưng việc có hoàn thành nhiệm vụ hay không phụ thuộc vào kết quả giao tiếp.

Kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ

Trong thời đại 4.0, có thể nói, bất kỳ nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ. Đối với người hành nghề Thừa phát lại, kỹ năng này là vô cùng cần thiết, đặc biệt với hoạt động lập vi bằng.

Hiện nay, có nhiều sự kiện pháp lí mà Thừa phát lại lập vi bằng phải ghi nhận trực tiếp trên các thiết bị điện tử (vi dụ ghi nhận nội dung trên internet, trích xuất dữ liệu điện tử…). Việc này đòi hỏi Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ phải có hiểu biết, và có kỹ năng sử dụng máy tính và các thiết bị công nghệ. Mặt khác, sau khi ghi nhận thực tế tại hiện trường, Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ cần phải hoàn thiện vi bằng trên máy tính, thiết kế hình ảnh, bảng biểu, sao chép dữ liệu… tất cả những việc đó đều đòi hỏi kỹ năng sử dụng thành thạo máy tính.

4. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở những phân tích thực trạng về công việc của Thừa phát lại, chương trình môn học hiện tại, những kỹ năng thường dùng của Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ, tác giả đề xuất một số giải pháp sau để chuẩn bị, nâng cao kỹ năng cho sinh viên có thể làm việc tại các văn phòng Thừa phát lai như sau:

- Một là, cần đưa môn học “Pháp luật về Thừa phát lại” vào khối kiến thức bổ trợ để sinh viên lựa chọn tham gia học tập, có định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

- Hai là, trong thiết kế chương trình môn học của môn luật tố tụng dân sự, luật thi hành án dân sự, cần hướng dẫn chi tiết hơn thủ tục tống đạt cho sinh viên. Trong thời gian học tập tại trường, sinh viên có thể kiến tập, làm việc bán thời gian tại các văn phòng Thừa phát lại;

- Ba là, tổ chức cho sinh viên tham gia kiến tập, thực tập tại các văn phòng Thừa phát lại để sinh viên có những trãi nghiệm về nghề Thừa phát lại, tự đánh giá mình xem có phù hợp với nghề Thừa phát lại hay không để lựa chọn trong tương lai;

- Bốn là, tổ chức các khóa học, hội thảo, tọa đàm… giới thiệu về các nghề luật nói chung và nghề Thừa phát lại nói riêng để sinh viên có thêm kiến thức về nghề luật, thêm sự lựa chọn về nghề nghiệp trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Chính phủ (2020), “Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại”, Hà Nội.

[2].Chính phủ (2009), Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

[3].Chính phủ (2013), Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Mới hơn Cũ hơn