Vi bằng – Tiện ích mới cho cho hoạt động của doanh nghiệp

Từ khi chế định Thừa phát lại bắt đầu được áp dụng trở lại, các cá nhân, tổ chức đặc biệt là các doanh nghiệp có thêm một tiện ích, một công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Blog giới thiệu bài viết "Vi bằng – Tiện ích mới cho cho hoạt động của doanh nghiệp" được Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp viết cho Báo Doanh nhân và Pháp luật số 56 ngày 05/9/2010. Tuy bài viết này được viết cách đây hơn 13 năm nhưng quy định pháp luật về vi bằng cơ bản không thay đổi nhiều nên bài viết vẫn còn nguyên giá trị. Mời bạn đọc tham khảo:

          ThS. Nguyễn Tiến Pháp

                                                                        Báo Doanh nhân và Pháp luật số 56 ngày 5/9/2010.

Vi bằng – yêu cầu cấp thiết của xã hội

Nền kinh tế thị trường mở ra những cơ hội lớn cho sự phát tiển của đất nước, cùng với tiến trình đó, những giao dịch kinh tế, dân sự cũng diễn ra ngày càng đa dạng và sôi động, mà trong nền kinh tế tập trung không bao giờ có được. Đồng hành với những giao dịch ngày càng đa dạng và phức tạp là những rắc rối, tranh chấp phát sinh từ quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng. Trước đây, khi tranh chấp phát sinh, việc giải quyết các tranh chấp này của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu những chứng cứ cần thiết để đàm phán, thương lượng hoặc yêu cầu Tòa án hoặc trong tài giải quyết. Đó có thể là những chứng cứ cho thấy Doanh nghiệp đã chủ động thông báo nhắc nợ, đòi nợ; thông báo việc chào bán phần vốn góp, bán phần tài sản thuộc sở hữu chung; xác lập chứng cứ về hành vi giao hàng, giao tiền không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng; hành vi sử dụng mặt bằng, trụ sở sai mục đích; hành vi giao thông báo triệu tập họp hội đồng kỷ luật… và còn rất nhiều những hoạt động khác phát sinh một cách đa dạng trên thực tế. Việc xác lập những chứng cứ này không chỉ có ý nghĩa trong việc chứng minh Doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, các thủ tục theo quy định của pháp luật; chứng minh hành vi vi phạm hợp đồng của đối tác… mà còn là căn cứ để xác lập thời hiệu khởi kiện trong trường hợp cần thiết phải đưa tranh chấp ra giải quyết trước Tòa án.

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng và phát triển của xã hội, ngày 24/7/09, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh, đánh dấu sự ra đời của một chế định mới: chế định về thừa phát lại. Theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm, được nhân danh và sử dụng một phần quyền lực nhà nước để làm các công việc: (1) Xác lập các vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi dùng làm chứng cứ trong tố tụng hoặc các quan hệ pháp lý khác;  (2) Trực tiếp tổ chức thi hành án theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. (3) Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân; (4) Tống đạt văn bản của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự. Trong đó, 03 chức năng đầu tiên của thừa phát lại có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn giới thiệu chức năng vô cùng quan trọng của thừa phát lại: chức năng lập vi bằng.

Vi bằng là gì?

Theo Nghị định 61/CP, vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Vi bằng là một văn bản ghi nhận lại một sự thật khách quan, đó có thể là hành vi, cũng có thể là một sự kiện đang diễn ra trên thực tế, do thừa phát lại chính mắt trông thấy được thừa phát lại mô tả lại trong vi bằng.

Đó có thể là hành vi giao nhận tiền, hành vi các bên cùng ký vào một văn bản thỏa thuận, hành vi đã tống đạt hợp lệ một văn bản, hành vi vi phạm hợp đồng của một bên trong quan hệ hợp đồng (vi phạm nghĩa vụ giao tiền, giao hàng, giao nhà, sử dụng nhà thuê sai mục đích...), hành vi vi phạm pháp luật của người khác đối với tổ chức, cá nhân (chiếm giữ nhà bất hợp pháp, xâm phạm chỗ ở, xây tường bít lối đi chung, trổ cửa sổ không đúng quy định...). Đó cũng có thể là những sự kiện đang diễn ra như sự kiện tường nhà, công trình bị nứt, bị thấm, dột, nước tràn; hiện trạng nhà ở, công trình, máy móc bị hư hỏng ; hiện trạng về đất đai; sự kiện có vật liệu xây dựng, hàng hóa được tập kết trên đất đang tranh chấp... và muôn vàn những sự kiện, hành vi khác xảy ra trên thực tiễn hàng ngày theo nhu cầu của xã hội mà không ai có thể lường trước được.

Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp (bìa phải) trong một lần ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Điều đáng lưu ý là vi bằng của thừa phát lại chỉ ghi nhận, mô tả lại những sự kiện, hành vi có thật, diễn ra trước mặt thừa phát lại, mà không được nhận định về sự kiện, hành vi đó. Ví dụ, Doanh nghiệp A yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng về hiện trạng một công trình bị nứt tường, thấm tường, mái dột... thừa phát lại chỉ đến công trình, tiến hành mô tả lại sự kiện nói trên trong vi bằng, mà không được phép kết luận nguyên nhân của sự kiện nói trên. Việc kết luận nguyên nhân của sự kiện phải do cơ quan có thẩm quyền giám định tiến hành. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng về sự có mặt và hành vi cung cấp kết quả giám định của cơ quan giám định.  

Hoạt động của thừa phát lại mang tính quyền lực nhà nước, vi bằng do thừa phát lại lập đương nhiên có giá trị chứng cứ, được Tòa án tin tưởng và không thể bị phủ nhận bởi bất kỳ chứng cứ nào khác. Trong trường hợp có nghi nghờ về tính xác thực của vi bằng, các bên phải yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một vụ kiện riêng, vi bằng chỉ vô hiệu theo phán quyết của Tòa án.

Ai có quyền lập vi bằng?

Người duy nhất có quyền lập vi bằng là thừa phát lại. Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm, là công lại của Nhà nước, nhưng lại hoạt động vì lợi ích của công dân, của tổ chức, của toàn xã hội.

Do là công lại của Nhà nước, trong quá trình thừa phát lại thực thi công việc, mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật. Nếu từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại.

Là người do Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện những công việc bổ trợ cho ngành tư pháp, thừa phát lại là những người đạt được nhưng tiêu chuẩn khắt khe về phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ và kinh nghiệm công tác. Trong đó, phẩm chất quan trọng nhất của thừa phát lại là phải trung thực, khách quan khi thực hiện công việc. Bên cạnh đó, thừa phát lại phải tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.

Để đảm bảo tính khách quan và trung thực của thừa phát lại, luật pháp cũng cấm thừa phát lại tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép; cấm thừa phát lại đòi hỏi các khoản lợi ích vật chất khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; cấm thừa phát lại nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình và những công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Ai có quyền yêu cầu lập vi bằng?

Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng để phục vụ mục đích nhất định của mình mọi lúc, mọi nơi, miễn là yêu cầu đó không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay đang trong quá trình thí điểm chế định thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh, nên thừa phát lại chỉ có quyền lập vi bằng trong phạm vi địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, các tổ chức, cá nhân ở ngoài địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng, nếu sự kiện hoặc hành vi cần được lập vi bằng diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Ví dụ, một doanh nghiệp tại Bình Dương vẫn có quyền yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng về hành vi giao thông báo đòi nợ đối với một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh; hoặc hai bên cũng có thể ký kết vào một thỏa thuận khác tại TP. Hồ Chí Minh trước sự chứng kiến của thừa phát lại.

Việc lập vi bằng cũng không bị giới hạn bởi thời gian, đó có thể là trong giờ hành chính, cũng có thể diễn ra lúc nửa đêm, theo yêu cầu của người yêu cầu lập vi bằng, miễn là các bên đảm bảo không vi phạm quyền lợi chính đáng của người khác. Ví dụ, một doanh nghiệp A yêu cầu lập vi bằng về hành vi vi phạm nghĩa vụ giao hàng của doanh nghiệp B vào lúc 24 giờ ngày X tại kho của doanh nghiệp A, vì theo quy định của hợp đồng, các bên tiến hành giao hàng vào thời điểm X đó. Với tính chất là một tổ chức cung ứng dịch vụ, thừa phát lại tất nhiên sẽ phải đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp A.

Khi nào cần lập vi bằng?

Khi giao kết một hợp đồng, các bên đều hướng đến lợi ích sau cùng là việc thực thi thỏa thuận đạt kết quả tốt, đôi bên đều có lợi. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau, không phải mọi giao dịch, thỏa thuận đều đi đến một cái kết “đẹp” như thế, mà có một số giao dịch phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn về quyền lợi, nghĩa vụ do khách quan, cũng có thể do chủ quan. Để đặt mình vào vị trí thuận lợi, nắm quyền chủ động trong mọi tình thế, không còn cách nào khác ngoài con đường phải củng cố mọi chứng cứ pháp lý trong suốt quá trình từ thương thảo đến khi thanh lý hợp đồng. Pháp luật đã trang bị cho các doanh nghiệp, cũng như mọi cá nhân một tiện ích mới, đó là vi bằng của thừa phát lại. Vi bằng này có thể không được sử dụng, vì truyền thống dân tộc ta vốn luôn tin tưởng vào đối tác, và cũng luôn thuộc nằm lòng câu “vô phúc đáo tụng đình”. Nhưng sẽ còn “vô phúc” hơn, nếu chúng ta bước vào bàn đàm phán, hoặc đứng trước phiên tòa mà thiếu những chứng cứ cần thiết để bảo vệ mình. Với chi phí không đáng kể, mọi Doanh nghiệp hiện nay đã có thể trang bị cho mình hành trang pháp lý cần thiết bằng cách xác lập vi bằng trong mọi giao dịch. Với quan điểm “lo xa để khỏi buồn gần”, để luôn vững vàng trong trong suốt quá trình hoạt động, các doanh nghiệp cần phải tận dụng tiện ích mới mà pháp luật mang lại – Đó là vi bằng của thừa phát lại.

Mới hơn Cũ hơn