Kịch bản khác của vụ con ruồi giá 500 triệu

Vi bằng Thừa phát lại -Mấy ngày nay, dư luận cả nước đang quan tâm đến vụ việc “1 con ruồi giá 500 triệu” và người bán con ruồi đó đang bị cơ quan công an tạm giữ để phục vụ điều tra.
 lấy mẫu như thế nào cho đúng luật
Anh Võ Văn Minh bị bắt quả tang cùng tang vật vụ án.
Theo thông tin từ trang Zing News thì anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) là chủ quán cơm tại xã An Cư. Ngày 3/12/2014, anh Minh phát hiện con ruồi trong chai nước Number One của Công ty Tân Hiệp Phát ở Bình Dương khi bán cho khách. Nổi lòng tham, anh Minh giữ lại chai nước rồi gọi điện Công ty Tân Hiệp Phát ở Bình Dương yêu cầu cử đại diện xuống miền Tây thương lượng. Lúc đầu, anh Minh ra giá 1 tỷ đồng đổi lấy sự im lặng, nếu không sẽ cung cấp thông tin cho báo chí, in 5.000 tờ rơi phát tán việc này. Sau 3 lần cử đại diện thương lượng, doanh nghiệp này chốt giá theo biên bản là 500 triệu đồng và được anh Minh đồng ý. Để tránh sự chú ý của hàng xóm, chiều 27/1 anh Minh chọn điểm giao dịch tại quán cà phê và khi làm thủ tục nhận tiền thì bị bắt quả tang. Công an Tiền Giang đang tạm giữ anh Minh về hành vi Cưỡng đoạt tài sản, điều tra có đồng phạm hay không.
Việc chai nước ngọt Number One được đóng gói có con ruồi từ trước hay do anh Minh hoặc người khác ngụy tạo, anh Minh sẽ bị xử lý theo hình thức nào thì vẫn đang còn được điều tra. Tuy nhiên, vụ việc trên khiến dư luận rất đổi quan tâm. Nếu thực sự là sản phẩm của nhà sản xuất không sạch, bị khiếm khuyết thì người tiêu dùng hay người phải bỏ tiền ra để có được sản phẩm có cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình hay không? 1 con ruồi trong chai nước ngọt thì không thể có giá 500 triệu nhưng hàng hóa là chai nước yến sào có giá mấy triệu đến mấy chục triệu thì như thế nào?
Trong trường hợp anh Minh nêu trên, nếu chiếu theo quy định của Điều 30 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 thì anh Minh có thể thông qua các phương thức sau để bảo vệ quyền lợi của mình:
a) Thương lượng;
b) Hòa giải;
c) Trọng tài;
d) Tòa án.
Dù theo phương thức gì đi nữa thì anh Minh cần cẩn trọng thu thập chứng cứ để chứng minh những yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình là hợp pháp mà trong đó chú trọng đến việc ghi nhận chứng cứ là chai nước Number One còn nguyên nhãn mác, chưa mở nắp chai và trong chai có xác con ruồi… Việc ghi nhận này cần kịp thời để đảm bảo giá trị chứng cứ, tránh trường hợp để lâu chai nước bị thay đổi nguyên trạng, giá trị chứng minh sẽ không cao. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ghi nhận chứng cứ nói trên. Câu trả lời là các văn phòng Thừa phát lại. Anh Minh có thể nhờ văn phòng Thừa phát lại ở Tiền Giang để lập vi bằng, ghi nhận chứng cứ cho mình.
Thừa phát lại khi lập vi bằng sẽ có quay phim, chụp hình và mô tả tình trạng chai nước chưa được mở nắp, trong chai nước có xác động vật… Song song với quá trình đó, anh Minh có thể nhờ 1 tổ chức giám định để giám định chai nước. Trong vi bằng, quá trình chuyển giao nguyên trạng chai nước từ anh Minh qua tổ chức giám định cũng được mô tả. Vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang trong thời hạn 3 ngày làm việc sẽ là chứng cứ quan trọng hỗ trợ vững chắc cho những yêu cầu của anh Minh đối với Công ty Tân Hiệp Phát ở bất kỳ phương thức giải quyết tranh chấp nào mà anh Minh lựa chọn ở trên. 
 lấy mẫu như thế nào cho đúng luật
Thừa phát lại Trịnh Văn Tốt (ngoài cùng bên trái)
đang chứng kiến việc lấy mẫu đi kiểm định
Thực tiễn pháp lý cho thấy, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng tòa án là phương thức giải quyết quyết liệt và triệt để nhất bởi:
-       Thứ nhất, đây là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán Nhà nước, nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế;
-       Thứ hai, anh Minh khi khởi kiện không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án (Khoản 2 Điều 43 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010)
-       Thứ ba, nếu thông qua con đường Tòa án thì anh Minh còn có thể nhờ Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đại diện khởi kiện theo quy định pháp luật (Điểm B khoản 1 Điều 28 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010).
-       Thứ tư, việc anh Minh khởi kiện bằng con đường Tòa án, trong trường hợp anh Minh không thể tự thu thập được chứng cứ theo quy định tại Điều 42 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, anh Minh có thể nhờ Tòa án thu thập chứng cứ cho mình theo quy định tại Khoản 2 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011. Trong khi, các phương thức khác như thương lượng, hòa giải, trọng tài thì anh Minh phải tự mình thu thập chứng cứ.
Do đó, khuyến nghị của chúng tôi là anh Minh nên nhờ đến sự trợ giúp của tòa án như một giải pháp để bảo vệ có hiệu quả các quyền, lợi ích của mình khi bị thất bại trong việc dùng cơ chế thương lượng hoặc hòa giải và cũng không muốn vụ tranh chấp được giải quyết bằng con đường trọng tài. Tòa án có thẩm quyền giải quyết ở đây là Tòa án cấp huyện nơi đặt trụ sở công ty Tân Hiệp Phát.
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, khoản 2 Điều 41 thì trường hợp anh Minh có khả năng sẽ được Tòa án xem xét giải quyết theo thủ tục đơn giản theo quy định pháp luật tố tụng bởi:
- Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng bởi đã được Thừa phát lại lập vi bằng
- Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Trên đây, chúng tôi mô tả lại trường hợp anh Minh nếu như anh Minh muốn yêu cầu  bồi thường thiệt hại đúng luật. Đáng tiếc, anh Minh đã chọn con đường đi sai trái cho mình. Có người sẽ đặt ra câu hỏi, liệu một chai nước Number One thì kiện bồi thường thiệt hại như thế nào và tiền bồi thường thiệt hại đó có đủ trang trải chi phí tố tụng, xăng xe và phí Thừa phát lại lập vi bằng? Vâng câu hỏi này rất đáng đặt ra và cũng là câu hỏi chung của những ai quan tâm đến vụ việc. Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập ở trên, anh Minh chỉ thiệt hại 1 chai nước Number One trị giá mấy nghìn đồng nhưng đối với trường hợp khác, thiệt hại lên đến mấy triệu, mấy chục triệu và thậm chí là hơn thế thì như thế nào?
Nếu người dân vẫn giữ tâm lý không muốn kiện tụng và ôm phần thiệt cho mình thì người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị thiệt hại. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Vinastas tại “Hội thảo Nhìn lại ba năm thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Cục Quản lý cạnh tranh và Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) tổ chức ngày 28-10-2014 thì chua xót phát biểu: “Sau ba năm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, thực tế hội chưa thể khởi kiện được vụ nào.”
Riêng đối với Văn phòng Thừa phát lại, chúng tôi cam kết dù vụ thiệt hại của người tiêu dùng là lớn hay nhỏ, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình trong công tác lập vi bằng và sẽ đưa ra mức phí phù hợp thấp hơn mức phí quy định. Thậm chí, đối với vụ việc số tiền bồi thường là nhỏ nhưng người tiêu dùng, Hội bảo vệ người tiêu dùng muốn đòi bồi thường thiệt hại để chấn chỉnh các doanh nghiệp trong vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho người dân.
Đức Hoài
Mới hơn Cũ hơn