Chuyện Thừa phát lại - Tống đạt

TRÔNG NGƯỜI MÀ NGẪM ĐẾN TA
Thừa Phát Lại Thủ Đức xuất quân đầu năm

1.   Chuyện tống đạt xứ mình
Một thư ký đi tống đạt, nếu chẳng may người nhận văn bản không còn cư trú tại địa phương (thật ra là rất phổ biến), sẽ phải qua công an lập một biên bản tống đạt không thành, có chữ ký của Thư ký, cảnh sát khu vực, chỉ huy công an phườngrồi đóng dấu của Công an về việc đương sự đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, nếu may thì lập được ngay, không may thì chờ ít nhất 1 tuần để xác minh nhé!
Ngay lúc đó, sẽ lập biên bản niêm yết văn bản tố tụng. Việc niêm yết thực hiện tại trụ sở UBND, nơi cư trú cuối cùng của đương sự, nên phải có xác nhận của UBND Phường. Trong biên bản phải có chữ ký của Thư ký, tổ dân phố (rồi qua khu phố), Tư pháp phường, lãnh đạo Phường, rồi đóng dấu UBND Phường.
Các biên bản nói trên khi đưa về Văn phòng, sẽ có một thư ký rà soát văn bản, sau đó Thừa phát lại ký tên, đóng dấu (nếu có ủy quyền), không thì phải chuyển qua Trưởng văn phòng ký tên, đóng dấu rồi mới trả biên bản về cho Tòa án/ Thi hành án.
Vậy thống kê xem nhé! Biên bản tống đạt hoàn thiện khi trả về Tòa sẽ có ít nhất 8 chữ ký và 3 con dấu thể hiện một quy trình tống đạt chặt chẽ, bảo đảm rằng đương sự đã nhận được thông tin của Tòa, còn sau đó có đến hay không thì tùy.
Trường hợp đương sự từ chối nhận, thủ tục tương tự, chỉ khác là UBND phường sẽ phải xác nhận vào biên bản tống đạt không thành.
Lời bình: Thủ tục nhiêu khê là thế, vậy mà có một ông chánh án, sau đó làm đại biểu Quốc hội khi phát biểu tại nghị trường so sánh việc tống đạt với đi đưa thư.
2.   Chuyện tống đạt ở Pháp
Tại Pháp, Thừa phát lại sẽ đến nhà của đương sự để tống đạt. Nếu gặp đương sự, mà đương sự không nhận. Thừa phát lại sẽ đưa văn bản trước mặt đương sự mà niệm một câu thần chú “tôi là Thừa phát lại thuộc Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức đến tống đạt cho ông/bà văn bản blab la bla của Tòa” rồi đi về, xem như xong.
Vậy nếu không gặp đương sự thì sao? Thì Thừa phát lại sẽ dán một tờ bùa chú trước nhà của đương sự có nội dung: “tôi là Thừa phát lại thuộc Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức đến tống đạt cho ông/bà văn bản blab la bla của Tòa, nhưng không gặp ông/bà. Tôi niêm yết một bản sao tại địa chỉ của ông bà, đề nghị ông bà đến Văn phòng tại địa chỉ số 41, Nguyễn Văn Bá, Thủ Đức để nhận bản chính”. Thế là xong.
Lời bình: Cho mấy ông Thừa phát lại Pháp qua Việt Nam tống đạt 1 tuần chắc chắn bỏ nghề!
3.   Chuyện tống đạt Hồng Kông (Mình không nghiên cứu luật pháp về tố tụng của HK, nhưng nếu thật sự như vậy thì hay quá!)
Xem phim “4 nàng Luật sư” của Hong Kong, có 1 đoạn rất thú vị:
1 VPLS thụ lý 1 vụ việc li hôn. Văn phòng cứ 1 anh chàng văn thư đi giao thông báo về việc li hôn của Tòa cho bị đơn. Người vợ (nguyên đơn) dẫn anh chàng này đến bến xe, chờ chồng của chị ta (bị đơn) xuống xe thì giao thư.
Bị đơn vừa xuống xe, thoáng thấy vợ và 1 nhân viên liền bỏ chạy, anh chàng văn thư liền chạy theo. Cả hai đuổi nhau qua nhiều con phố, cuối cùng bị đơn chạy hết nỗi, ngừng lại thở dốc. Nhân dịp đó, anh chàng văn thư liền vứt Thư thông báo vào túi sách của bị đơn. Bị đơn thấy vậy, định chụp lấy vứt ra thì anh văn thư thông báo:
 “Muộn rồi ông, xem như ông đã nhận rồi!
Sau đó, chàng liền niệm một câu thần chú:
"Tôi tên là ABC thuộc VPLS XYZ, hôm nay gửi cho ông Thư thông báo, yêu cầu ông vào lúc bla bla bla có mặt tại Tòa blab la bla, nếu không sẽ bị khép tội coi thường Tòa án”
Sau khi khai triển đại pháp tống đạt, chàng văn thư đắc thắng bỏ đi, bỏ lại anh bị đơn tiu ngỉu cầm lá thư, trong lòng muốn khóc thét.
Lời bình: Tôi thích xem phim Hồng Kông vì tui thích thái độ chấp hành pháp luật của người dân. Dù rằng pháp luật ở đâu cũng có những mảng tối, nhưng thái độ chấp hành pháp luật của dân và thái độ thực thi nghiêm minh pháp luật của Chính phủ chính là nền móng của nhà nước pháp quyền.

4.   Chuyện công bố quyết định xử phạt ở xứ mình
Có một hộ kinh doanh ở địa phương thường xuyên gây tiếng ồn về đêm quá mức cho phép, Quận đã lập biên bản, sau đó ra quyết định xử phạt, nhưng hộ này bất hợp tác, vì vậy việc thực hiện các thủ tục rất khó khăn. Quận mời lên làm việc nhiều lần nhưng đương sự không lên, việc công bố quyết định xử phạt vì vậy cũng chưa thực hiện được, dù đã triển khai nhiều lần. Lãnh đạo Quận chỉ đạo liên hệ Thừa phát lại để lập vi bằng.
 Theo lịch hẹn, Thừa phát lại có mặt tại UBND Phường – là nơi “hội quân”, Thừa phát lại hỏi Đ/c chuyên viên phụ trách việc đi công bố quyết định mức xử phạt bao nhiêu, Đ/c chuyên viên nói phạt 3 triệu. Thừa phát lại nói, phạt 3 triệu vậy sao đủ tiền trả phí vi bằng, phí vi bằng 4 triệu lận. Đ/c chuyên viên hết hồn hỏi “vậy sao anh?”. Thừa phát lại mới cười, nói việc này ủng hộ địa phương, không có thu phí, hihi!
Cuối cùng các nhân viên  tư pháp, văn phòng đang đi họp phải trở về, Đ/c CSKV đang xuống địa bàn phải quay về, quân số cũng đã đầy đủ: 2 chuyên viên của Quận, 1 Thừa phát lại và 1 Thư ký, 3 cán bộ Phường, 1 cảnh sát khu vực, tổng cộng 8 người tiến đến hiện trường công bố quyết định xử phạt.
Đến quán café, chủ hộ kinh doanh đi vắng, chỉ có quản lý và một số nhân viên. Đ/c chuyên viên nói nhỏ, “mấy lần trước em đến cũng vậy!”.
Bổn cũ soạn lại, anh bạn quản lý trình bày “blab la bla ông chủ đi vắng tui không nghe, không biết, không thấy, không được nhận gì hết…”.
Thừa phát lại đề nghị Đ/c chuyên viên cứ thực hiện thủ tục công bố bình thường, đọc quyết định, sau đó anh quản lý không nhận thì ra cửa chính mà niêm yết quyết định. (Tự nhiên thấy Thừa phát lại oai thấy ghê!)
Sau đó, Đ/c chuyên viên đọc quyết định, dán văn bản ở cửa, lập một biên bản công bố rồi về Phường đóng dấu xác nhận biên bản. Kết thúc việc lập vi bằng.

Lời bình: Tự nhiên thấy có 8 người đang bận đủ thứ việc phải tập đi làm một việc mà đúng ra chỉ cần 1 người làm.

Lời cuối: Xem chuyện xứ người, ngẫm chuyện xứ mình thấy sao mà đau, mà xót!
Điều cần làm là nâng cao kỷ cương, phép nước, sai đâu xử đó, đề cao tinh thần trách nhiệm, đơn giản hóa thủ tục thì không làm mà cứ thích làm quy trình. Một câu nói của anh chàng văn thư phải làm biết bao người có trách nhiệm phải xấu hổ: “nếu không có mặt theo lệnh Tòa sẽ bị khép tội coi thường Tòa án”. Ở ta thì sao, đương sự còn ném dép vào mặt quan Tòa, thư ký tống đạt bị làm khó đủ điều, có trường hợp còn bị chém… kỷ cương, phép nước bị xem thường, công lý bị khinh nhờn… để xảy ra sự việc như vậy, trách nhiệm của những người xây dựng và áp dụng pháp luật đặt ở đâu?
Những người xây dựng chính sách pháp luật dường như luôn sợ hãi điều gì đó, mà nếu không đặt ra một quy trình giám sát nhiều tầng nấc thì sẽ không yên tâm, rồi họ lại đặt câu hỏi hết sức ngớ ngẩn “ai giám sát những người giám sát?”.  Nhưng cuối cùng, mục đích là gì? Để kiểm soát, hay để làm việc? Kiểm soát bằng cách nào? Bằng quyền năng của từng chủ thể hay gom họ lại thành 1 đám đông mà không biết trách nhiệm thuộc về ai? Hay bằng những quy trình con kiến không lọt nhưng con voi thì đạp đổ dễ dàng?
Một việc nhỏ như công bố 1 quyết định mà phải huy động 4 lực lượng khác nhau cùng làm thì quả là vô cùng lãng phí thời gian và công sức! 
Hãy để mỗi cá nhân, tổ chức được thực hiện đúng chức trách, phận sự của họ, phải đặt niềm tin vào họ nhưng không quên cho họ biết cái giá phải trả nếu họ thiếu trung thực, làm ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước. Quản lý nhà nước cuối cùng là làm gì? không phải làm cho mọi thành phần đều vận động theo chức năng, nhiệm vụ của nó để thúc đẩy xã hội phát triển hay sao?
Mới hơn Cũ hơn