So sánh sửa lỗi vi bằng và văn bản công chứng

Vi bằng và văn bản công chứng đều có giá trị chứng cứ, tuy nhiên, không hiểu vì sao pháp luật lại quy định những trình tự sửa lỗi quá khác biệt. Theo đó, việc sửa lỗi vi bằng được thực hiện rất khó khăn so với văn bản công chứng.
1.   Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng
Điều 50, Luật công chứng 2014 về sửa lỗi văn bản công chứng

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật công chứng 2014 thì “Lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch”. Trường hợp phát hiện lỗi kỹ thuật thì trình tự sửa lỗi được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 như sau:
“2. Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật.
3. Công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch.”
2.   Sửa lỗi kỹ thuật vi bằng
Điều 8 Thông tư liên tịch 09 về sửa lỗi vi bằng

Trong khi đó, cũng là lỗi kỹ thuật, nhưng việc sửa lỗi Vi bằng lại rất phức tạp.
Điều 8 Thông tư liên tịch 09, ngày 28/2/2014 quy định như sau:
”1. Trong trường hợp có sai sót về kỹ thuật trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn vi bằng mà việc sửa chữa không làm ảnh hưởng đến tính xác thực của vi bằng thì Thừa phát lại có trách nhiệm sửa lỗi đó. Việc sửa chữa lỗi kỹ thuật của vi bằng phải được thực hiện bằng văn bản, do Thừa phát lại lập, ký và đóng dấu của Văn phòng Thừa phát lại.
Trong trường hợp vi bằng đã được giao cho người yêu cầu và đăng ký tại Sở Tư pháp thì Thừa phát lại phải thông báo bằng văn bản việc sửa chữa lỗi kỹ thuật cho người yêu cầu và Sở Tư pháp biết. Sở Tư pháp phải có văn bản thông báo việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc sửa đổi, bổ sung cho Thừa phát lại và người yêu cầu biết.
2. Vi bằng có từ hai trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự và đóng dấu giáp lai.”
Điều khó hiểu là Tại sao cùng là lỗi kỹ thuật, đối với hai loại văn bản có cùng giá trị chứng cứ nhưng lại có hai trình tự khác nhau như vậy?
-Thứ nhất, công chứng viên được quyền sửa trực tiếp vào văn bản công chứng, nhưng thừa phát lại phải sửa lỗi bằng một thông báo riêng?
- Thứ hai, Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch; còn Thừa phát lại ngoài việc thông báo bằng văn bản việc sửa chữa lỗi kỹ thuật cho người yêu cầu và Sở Tư pháp biết, lại gắn thêm quyền và trách nhiệm của Sở Tư pháp khi buộc Sở Tư pháp phải có văn bản thông báo việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc sửa đổi, bổ sung cho Thừa phát lại và người yêu cầu biết.
Đã gọi là lỗi kỹ thuật, đương nhiên nó không ảnh hưởng đến nội dung vi bằng, tại sao lại quy định một trình tự quá phức tạp và trái với thông lệ, ảnh hưởng đến sự chủ động của Thừa phát lại trong quá trình thực thi nghiệp vụ như vậy?
Đáng lưu ý là, quy định kỳ quặc nói trên tại TTLT 09 đang được kế thừa trong Dự thảo tổ chức và hoạt động của Thừa Phát Lại. Rất mong trong quá trình xây dựng Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, Ban soạn thảo tiếp thu quy định từ Luật công chứng 2014 về vấn đề sữa lỗi kỹ thuật theo hướng Thừa phát lại chủ động sửa lỗi kỹ thuật như công chứng viên sửa lỗi văn bản công chứng. 
Quy định kỳ lạ về sửa lỗi vi bằng vẫn được kế thừa trong dự thảo Nghị định tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Mới hơn Cũ hơn