Vấn đề đăng ký vi bằng



Đăng ký vi bằng vốn là vấn đề tranh luân dai dẳng từ những ngày đầu thí điểm chế định Thừa phát lại. Hiện nay có 3 luồng quan điểm chính: (1) Bỏ quy định đăng ký vi bằng; (2) Chỉ đăng ký vi bằng về hình thức, Sở tư pháp không kiểm tra nội dung và không có quyền từ chối đăng ký; (3) giữ nguyên như hiện nay. Theo dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại mà Bộ Tư pháp đang soạn thảo thì vi bằng được lập thành 5 bản chính, trong đó đăng ký 3 bản tại Sơ Tư pháp. Đề xuất trên vấp phải nhiều phản đối. Chuyên trang xin trích đăng ý kiến của Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức về tình trạng đăng ký vi bằng hiện hành, mong nhận được nhiếu ý kiến góp ý của bạn đọc!
Ảnh vi bằng của Văn phòng Thừa Phát Lại Thủ Đức - TP.HCM

Theo quy định hiện hành, vi bằng của Thừa phát lại sau khi lập xong phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày lập. Trước đây, khi chế định Thừa phát lại chỉ mới đang thực hiện thí điểm tại TP.HCM trên cơ sở Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký vi bằng khá đơn giản. Các văn phòng Thừa phát lại khi đã lập vi bằng xong thì chỉ cần nộp 1 bản chính vi bằng lên Sở Tư pháp để cơ quan này xác nhận đã đăng ký đúng hạn. Tuy nhiên, khi mà Chính phủ quyết định mở rộng phạm vi thí điểm ra thêm 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác trên cả nước và ban hành Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009/NĐ-CP về thừa phát lại thì việc đăng ký vi bằng có sự thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng của Thừa phát lại nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định hoặc vi bằng đăng ký không đúng hạn.

Thực hiện việc đăng ký vi bằng theo Nghị định 135 làm cho các Sở Tư pháp và các Văn phòng Thừa phát lại lúng túng, vì đây là thay đổi rất quan trọng: Sở Tư pháp từ chỗ chỉ đăng ký vi bằng về mặt hình thức, để xác nhận có việc lập vi bằng, xác nhận việc đăng ký vi bằng đúng hạn, giờ phải kiểm tra về mặt nội dung của Vi bằng để xem vi bằng được lập đúng phạm vi, thẩm quyền hay không trong bối cảnh phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, việc Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng củng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như:
- Sở Tư pháp có phải liên đới chịu trách nhiệm với Thừa phát lại về giá trị pháp lý của vi bằng nếu vi bằng đã đăng ký nhưng bị Tòa án bác bỏ vì vi bằng đó lập không đúng quy định pháp luật?
- Vi bằng được lập đúng quy định pháp luật, đi đăng ký đúng hạn nhưng Sở Tư pháp từ chối đăng ký gây nên thiệt hại cho người yêu cầu lập vi bằng?
- Vi bằng được lập không đúng theo quy định pháp luật và Sở Tư pháp từ chối đăng ký?
- Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong việc từ chối đăng ký vi bằng giữa người yêu cầu lập vi bằng, người liên quan, Văn phòng Thừa phát lại và Sở Tư pháp?
Những câu hỏi nói trên chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng, không chỉ làm Sở Tư pháp lúng túng trong việc đăng ký hoặc từ chối đăng ký vi bằng mà còn làm nảy sinh tâm lý sợ trách nhiệm.
Về việc này, chúng tôi có một số ý kiến sau:  
Thứ nhất, theo quy định của Nghị định 135 và Nghị định 61 thì  Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để lập vi bằng. Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị ”chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”, trường hợp có tranh chấp về vi bằng thì “các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, về bản chất, việc lập vi bằng chính là tạo lập chứng cứ. Chỉ có Tòa án mới có quyền ra phán quyết về vi bằng của Thừa phát lại. Do vậy, phải nhìn nhận đúng bản chất của hoạt động lập vi bằng, đảm bảo giá trị chứng cứ của vi bằng, không nên tự giới hạn phạm vi lập vi bằng trái với quy định của Nghị định 135 và Nghị định 61 khi thực hiện thủ tục đăng ký vi bằng của Thừa phát lại tại Sở Tư pháp.
Thứ hai, là người được Nhà nước giao quyền để lập vi bằng tạo lập chứng cứ, Thừa phát lại chịu trách nhiệm về vi bằng mình lập, Văn phòng Thừa phát lại không mong muốn và không yêu cầu Sở Tư pháp phải chia sẻ bất kỳ trách nhiệm gì khi đăng ký vi bằng của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định 135 và Nghị định 61. Thừa phát lại chỉ mong được tôn trọng chức năng và trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại trong việc lập vi bằng.
Vì vậy, Chúng tôi đề nghị Bộ Tư pháp cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng quy định việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp là nhằm mục đích xác nhận việc Thừa phát lại có lập vi bằng trong thực tế. Nội dung của vi bằng và những vấn đề liên quan khác sẽ do Thừa phát lại chịu trách nhiệm nhằm nâng cao tính độc lập, trách nhiệm cá nhân của Thừa phát lại. Về lâu dài, cần bỏ thủ tục đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp, nâng cao trách nhiệm của Thừa phát lại trong việc thực hiện chức năng của mình đã được Nhà nước trao quyền.
Mới hơn Cũ hơn