Phan Thị Quỳnh Như - TPL Thủ Đức
Xem thêm:
2. Từ 24/02/20, Sở tư pháp không từ chối đăng ký vi bằng
3. Không giới hạn số lượng bản chính vi bằng
4. Trao đổi về những điểm mới của nghị định 08 về Thừa phát lại
3. Không giới hạn số lượng bản chính vi bằng
4. Trao đổi về những điểm mới của nghị định 08 về Thừa phát lại
I. Quy định về thủ tục đăng ký vi bằng theo
Nghị định số 135/2013/NĐ-CP:
Trước
đây, về thủ tục lập vi bằng của Thừa phát lại, cụ thể là ở giai đoạn hoàn thiện
và đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt
trụ sở Văn phòng Thừa phát lại, cơ sở pháp lý được áp dụng để thi hành là quy định
tại Khoản
9 Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày
18/10/2013 sửa đổi Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban
hành ngày 24/7/2009 như sau:
“Trong thời hạn không quá 02 ngày làm
việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa
phát lại. Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng
không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định tại Điều
25 của Nghị định này; vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy
định tại khoản 4, Điều 26 của Nghị định này. Việc từ chối phải được thông báo
ngay bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng
trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký.
Vi bằng được coi là hợp lệ khi được
đăng ký tại Sở Tư pháp”.
Sau
khi trực tiếp chứng kiến, ghi nhận sự kiện, hành vi diễn ra trên thực tế theo
yêu cầu của đương sự, Thừa phát lại tiến hành hoàn thiện nội dung vi bằng. Vi bằng
sau khi được hoàn thiện về cả mặt nội dung lẫn mặt hình thức, sẽ được lập thành
ba bản chính: 01 bản giao người yêu cầu; 01 bản gửi Sở Tư pháp để đăng ký trong
thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng; 01 bản lưu trữ tại văn phòng
Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ đối với văn bản
công chứng. Theo như quy định ở trên, 01 bản chính vi bằng sau khi được gửi đến
đăng ký tại Sở Tư pháp, thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
vi bằng, Sở Tư pháp có quyền nhận đăng ký vi bằng hoặc từ chối đăng ký vi bằng
nếu việc lập vi bằng của Thừa phát lại không đúng thẩm quyền hoặc không thuộc
phạm vi lập vi bằng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vi bằng bị từ
chối đăng ký tại Sở Tư pháp, thì vi bằng đó xem như không hợp lệ, tức không
phát sinh giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến nhiều hệ
quả làm ảnh hưởng đến lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng, cũng như không đảm
bảo quyền và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của Thừa phát lại trong khi thực hiện
công việc. Vì vi bằng là văn bản ghi nhận lại sự kiện, hành vi diễn ra trên thực
tế, mà những sự kiện đó chỉ diễn ra đúng một lần duy nhất, do đó khi vi bằng bị
từ chối đăng ký, tức là vi bằng đó sẽ không có giá trị pháp lý, thì hệ quả phát
sinh đó là những gì đã diễn ra không được Thừa phát lại ghi nhận và không có
văn bản nào chứng minh được việc sự kiện này đã xảy ra và có thật trên thực tế.
II. Quy định về thủ tục đăng ký vi bằng theo Nghị
định số 08/2020/NĐ-CP:
Vào
ngày 08/01/2020, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ
chức và hoạt động của thừa phát lại, theo đó có một số quy định thay đổi so với
Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. Cụ thể về thủ tục lập vi bằng của Thừa phát lại được
quy định tại Điều 39 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có nhiều đổi mới so với thời
điểm trước đây, trong đó điểm mới nổi bật phải kể đến đó là Khoản
4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hoàn thiện vi bằng
liên quan đến Sở Tư pháp như sau:
“4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng,
tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ
sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi
bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về
vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của
Bộ Tư pháp.”
III.Nhận
xét quy định mới của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP:
Theo
quy định mới tại Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Sở Tư pháp không
còn thẩm quyền từ chối đăng ký vi bằng mà Thừa phát lại lập nữa, mà thủ tục gửi
vi bằng đến Sở Tư pháp sau khi kết thúc việc lập vi bằng chỉ mang thủ tục thông
báo để Sở Tư pháp tiếp nhận đăng ký, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu về vi bằng của
Bộ Tư pháp, tránh việc ngụy tạo chứng cứ, phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra
khi cần thiết. Tuy nhiên, nếu Thừa phát lại lập vi bằng trái thẩm quyền, sẽ bị
xử lý theo quy định của pháp luật thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thật
ra, nếu nói đây là quy định mới hoàn toàn thì cũng không đúng, bởi lẽ nội dung
này đã từng được quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP: “Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể
từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh phải vào sổ đăng ký
vi bằng Thừa phát lại.” Tuy nhiên sau đó, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP lại
quy định Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng nếu phát hiện thấy việc lập
vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định của
pháp luật.
-
Thuận lợi:
Quy
định tại Khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý, giúp
Thừa phát lại nâng cao trách nhiệm, chuyên môn trong khi thực hiện công việc, đảm
bảo tính độc lập, quyền và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm về hành vi của Thừa
phát lại trước pháp luật. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập và Thừa phát
lại là người sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung và tính chính xác của vi
bằng do mình lập ra, đảm bảo tính độc lập, khách quan. Đồng thời quy định này
còn hạn chế quyền hạn của Sở Tư pháp khi không được quyền can thiệp vào nội
dung của vi bằng mà Thừa phát lại lập, mà chỉ là cơ quan theo dõi, giám sát và
kiểm tra hoạt động chung của Văn phòng Thừa phát lại.
-
Khó khăn:
Bên
cạnh những điểm thuận lợi trên, cũng có một số điểm bất cập cần chú ý. Một là,
khi vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp theo Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, thì
vi bằng một lần nữa được kiểm duyệt về cả mặt nội dung lẫn hình thức trước khi
có hiệu lực pháp lý chính thức, giúp giảm thiểu sai sót về mặt hình thức, lỗi
kĩ thuật trong vi bằng. Hai là, việc Sở Tư pháp có thẩm quyền từ chối đăng ký
vi bằng sẽ giúp hạn chế tối đa các trường hợp Thừa phát lại lập vi bằng không
đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, làm sai lệch yếu tố chứng cứ của
vi bằng, gây tâm lý nhầm lẫn và đánh đồng khái niệm vi bằng và các văn bản pháp
lý khác. Theo Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, Sở Tư pháp có vai trò giống như một
người lính gác cửa, là cái chốt chặn cuối cùng trước khi sản phẩm mang tên “vi
bằng” được xuất xưởng và phục vụ đời sống của người dân, vì thế người dân có thể
hoàn toàn yên tâm về thành phẩm mà mình nhận được, tạo cơ sở chứng cứ và niềm
tin cho các đương sự trong giao dịch mà họ thực hiện.
Do
đó bằng cách này hay cách khác, mỗi quy định mới đều có những mặt tích cực và
những bất lợi phát sinh kèm theo, tùy thuộc vào cách mà chúng ta thi hành và áp
dụng quy định đó vào thực tế sao cho phù hợp với bối cảnh xã hội và trình độ
phát triển của thời đại.
IV.Kết
luận:
Khi quy định mới tại Khoản
4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực và áp dụng thi
hành, Thừa phát lại sẽ linh hoạt và chủ động hơn trong việc thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của mình, chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung và tính xác thực
của sự kiện, hành vi mà mình ghi nhận trong vi bằng. Do đó, Văn phòng Thừa phát
lại nói chung và các Thừa phát lại nói riêng phải luôn luôn trau dồi kiến thức
chuyên môn, kinh nghiệm cũng như nắm bắt kịp thời xu hướng và nhu cầu thực tế của
người dân, nhằm bảo vệ một cách tối đa quyền lợi và đáp ứng nhanh chóng yêu cầu
của người dân.